Hiện nay, hàng chục triệu người trên thế giới tự nhận mình là nhà sáng tạo nội dung. Đồng thời, lĩnh vực này trở thành đại diện cho “loại hình doanh nghiệp nhỏ phát triển nhanh nhất”, theo báo cáo năm 2020 của công ty đầu tư mạo hiểm SignalFire.
Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, các nền tảng và thuật toán không còn đáng tin cậy, một số nhà sáng tạo nội dung hướng đến nguồn doanh thu mới, siêu cụ thể hơn.
|
Một nhóm influencer chụp ảnh trên phố ở Milan (Italy). Ảnh:Shutterstock. |
Một trong số đó xuất hiện dưới dạng ứng dụng NewNew - sản phẩm của một công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Los Angeles (Mỹ).
Trên nền tảng này, người hâm mộ trả tiền để được bỏ phiếu nhằm quyết định một số hoạt động trong ngày của sao mạng như lựa chọn trang phục, đi chơi với ai và đến địa điểm nào. Sau đó, họ được chứng kiến các influencer thực hiện mong ước của họ.
“Các nhà sáng tạo nội dung dần kiệt sức nhưng người hâm mộ của họ muốn nhiều hơn nữa. Vậy nên, họ quyết định kiếm tiền bằng cách khai thác triệt để từng khía cạnh trong cuộc sống”, Jen Lee (25 tuổi), nhà sáng lập của một cộng đồng kinh tế sáng tạo nổi tiếng trên Discord, khẳng định với New York Times.
Mua bán khoảnh khắc trong cuộc sống của sao mạng
Courrtne Smith, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tạo ra NewNew, cho biết ứng dụng này tương tự “một thị trường chứng khoán”. Tại đây, “bạn có thể mua cổ phiếu (lượt bình chọn) để kiểm soát một phần cuộc sống của ai đó”.
“Chúng tôi đang xây dựng một nền kinh tế gây chú ý, nơi bạn mua khoảnh khắc trong cuộc sống của người khác. Chúng tôi tiến xa thêm một bước nữa bằng cách cho phép người dùng kiểm soát những khoảnh khắc đó”, cô nói.
Nền tảng này đã bắt đầu thử nghiệm beta với một nhóm ngôi sao mạng vào tuần trước.
|
Lev Cameron cho phép fan quyết định một số hoạt động anh sẽ thực hiện trong ngày. |
Lev Cameron (15 tuổi), một TikToker sở hữu 3,3 triệu người theo dõi, hỏi các fan trong một video trên NewNew gần đây: “Có phải bạn từng muốn kiểm soát cuộc sống của tôi? Đây chính là cơ hội của bạn. Bạn thực sự có quyền kiểm soát những gì tôi làm trong suốt cả ngày bằng cách bỏ phiếu”.
Mở đầu cuộc bình chọn, Lev hỏi người hâm mộ xem liệu anh nên chơi bóng ném hay bắt bóng với bạn bè. Mặc dù nhóm bạn của chàng trai hét lên trong nền video là “bắt bóng”, 78% các fan đã chọn “bóng ném”.
“Tôi thực hiện những điều họ bình chọn, chứ tôi không bí mật hành động kiểu khác. Thật ngạc nhiên khi thấy số lượng người tham bỏ phiếu và thứ mà họ bình chọn”, Lev nói.
Ngôi sao mạng trẻ tuổi cũng cho phép người hâm mộ lựa chọn bộ phim để anh xem hoặc đặt tên cho thú cưng hamster của anh ấy.
Nói với New York Times, nữ giám đốc Smith cho biết nền tảng có quyền cấm người dùng đăng tải các cuộc thăm dò có nội dung xúc phạm, nguy hiểm, không phù hợp hoặc vi phạm pháp luật.
Mặc dù giai đoạn thử nghiệm beta chỉ áp dụng cho những nhà sáng tạo nội dung được mời, cô hy vọng trong tương lai, nhiều người - từ ngôi sao đến người bình thường - có thể tận dụng nền tảng để kiếm tiền.
“Có thể bạn nghĩ cuộc đời mình tẻ nhạt nhưng ở ngoài kia, có người thấy đời sống của bạn thú vị đến mức sẵn sàng trả tiền để được tham gia”, Smith chia sẻ.
Làm giàu từ lượt tương tác
Đối với những nhà sáng tạo nội dung chưa “bán” cuộc sống của mình, họ vẫn kiếm tiền dựa trên lượt tương tác như bình luận, lượt thích và chia sẻ.
Gần đây, một nền tảng có tên PearPop trở nên phổ biến khi cho phép người hâm mộ trả tiền để thần tượng tương tác với họ trên mạng xã hội.
|
Influencer trở thành loại hình doanh nghiệp nhỏ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2020. |
Chỉ với 250 USD hoặc mức giá tốt nhất bạn có thể đề ra, ngôi sao mạng Griffin Johnson sẽ bình luận trên video của bạn.
“Thường thì cách kiếm tiền dựa trên sự hiện diện trên Internet chỉ áp dụng đối với những nhân vật sở hữu lượng người theo dõi lớn”, Cole Mason, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của PearPop, nói với New York Times.
“Chúng tôi muốn cung cấp thứ gì đó giúp cho những nhà sáng tạo nội dung 10.000 người theo dõi có cơ hội tương đương đối tượng 10 triệu người theo dõi”, anh chia sẻ thêm.
Một công cụ mới khác có tên Stir đang tìm cách giúp các nhà sáng tạo chia tiền cho những sản phẩm mà họ cộng tác với nhau.
Thế giới tiền điện tử cũng chứng tỏ sức hấp dẫn với những người đang tìm cách kiếm tiền từ các lượt thích, bình luận, chia sẻ. Một số nhà sáng tạo nội dung sử dụng các nền tảng tiền điện tử để tạo ra nền kinh tế riêng với người hâm mộ của họ.
Theo đó, các fan có thể mua đơn vị tiền tệ của thần tượng và sử dụng nó để mở khóa nội dung độc quyền hoặc chưa phát hành.
|
Fan có thể bỏ tiền đẻ lượt tương tác của thần tượng. Ảnh:Christian Vierig/Getty Images. |
Fan kiếm tiền từ scandal của thần tượng
Khi các nhà sáng tạo nội dung tìm ra các cách để kiếm tiền từ fan, Elijah Daniel (26 tuổi), đến từ Los Angeles (Mỹ), lại giúp người theo dõi “đặt giá” ngược lại.
Ngày 12/2, anh cho ra mắt Clout Market, gồm 10 triệu Token không thể thay thế (NFT), một loại tài sản kỹ thuật số khá phổ biến trong những năm gần đây, đại diện cho những người sáng tạo hàng đầu bao gồm Trisha Paytas, James Charles, Bryce Hall, David Dobrik và Jeffree Star.
|
Người hâm mộ có thể kiếm tiền từ những vụ bê bối của sao mạng. |
Các NFT được thiết kế để giống như thẻ bài Pokemon, gọi nhân vật bằng tên “chế” để tránh kiện cáo pháp lý. Ví dụ, Tana Mongeau được gọi là “Tana Mongoose”.
Một cấu trúc định giá được sử dụng để điều chỉnh giá NFT theo thời gian thực nhờ dữ liệu phân tích từ các nền tảng mạng xã hội. Cụ thể, nếu nhà sáng tạo nội dung tăng hoặc tụt lượng follower, giá của NFT theo đó cũng sẽ tăng hoặc giảm.
Daniel cho biết mục tiêu của Clout Market là cho phép fan kiếm tiền dựa trên những vụ lùm xùm giữa các sao mạng.
“Những người có ảnh hưởng và sao mạng kiếm được rất nhiều tiền từ các vụ bê bối mà hầu hết đều giả dối. Đây là một cách để người hâm mộ có thể đầu tư vào những lùm xùm đó để làm giàu”, anh nói.
Theo Zing