"Sau ba ngày tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, chúng tôi có thể nói rằng đã kết thúc giai đoạn một, trong đó bao gồm khả năng tìm thấy người sống sót", đại tá Roger Khoury, chỉ huy một nhóm các kỹ thuật viên của quân đội Lebanon đang hoạt động tại hiện trường vụ nổ cảng Beirut, ngày 9/8 nói tại họp báo.

"Trong lúc các chuyên gia kỹ thuật vẫn tiếp tục làm việc tại hiện trường, chúng tôi có thể nói rằng hy vọng tìm thấy người sống sót đang mờ dần", Khoury nói.

Các nhân viên cứu hộ Pháp tìm kiếm trong đống đổ nát tại cảng Beirut ngày 7/8. Ảnh: AFP.

Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8 rung chuyển sau khi kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ, khiến ít nhất 158 người chết, 6.000 người bị thương và khoảng 300.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.

Theo Bộ Y tế Lebanon, ít nhất 21 người vẫn mất tích. Người thân của họ những ngày qua nín thở theo dõi lực lượng cứu hộ từ Pháp, Đức, Nga, Qatar cùng một số quốc gia khác hỗ trợ chính quyền Lebanon trong công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Tuy nhiên, chưa người sống sót nào được tìm thấy, kể cả 8 hoặc 9 công nhân bến cảng mà các chuyên gia Pháp tin rằng họ đã mắc kẹt trong một phòng điều khiển bị chôn vùi bên dưới đống đổ nát.

"Chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ trong 48 giờ kể từ hôm 6/8 để tìm cách tiếp cận phòng điều khiển đó. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy người sống sót nào", Đại tá Vincent Tissier, người dẫn đầu nhóm cứu hộ của Pháp, cho hay.

Người dân Lebanon hiện vô cùng giận dữ với nhà chức trách, họ cáo buộc chính quyền đã quản lý yếu kém và lơ là trách nhiệm khi để kho amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua.

Hàng nghìn người đã đổ xuống đường biểu tình phản đối chính quyền. Họ chiếm cả trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế, yêu cầu các lãnh đạo chính phủ từ chức.

Hai bộ trưởng Lebanon đã tuyên bố từ chức là Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad và Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar.

Theo vnexpress