Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.300 người kể từ khi Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7/10. Bộ Y tế Gaza cho biết, ít nhất 2.800 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra. Con số đó cao hơn cả cuộc chiến kéo dài hơn 6 tuần ở Gaza năm 2014, đẫm máu nhất ở Gaza tính đến nay đối với cả 2 bên.

Những đứa trẻ người Palestine bị thương được đưa tới Bệnh viện al-Shifa sau cuộc không kích của Israel vào TP Gaza, trung tâm dải Gaza - Nguồn ảnh: AP
Những đứa trẻ người Palestine bị thương được đưa tới Bệnh viện al-Shifa sau cuộc không kích của Israel vào TP Gaza, trung tâm dải Gaza - Nguồn ảnh: AP

 

Trong khi đó, các quan chức Israel cho biết có hơn 1.400 người Israel đã thiệt mạng, phần lớn là dân thường trong cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas. Ít nhất 190 người khác - bao gồm cả trẻ em - đã bị Hamas bắt giữ và đưa vào Gaza. Đây là cuộc xung đột nguy hiểm nhất đối với Israel kể từ cuộc chiến năm 1973 với Ai Cập và Syria.

Hơn 10 ngày giao tranh giữa Israel - Hamas, hàng trăm trẻ em đã thiệt mạng và hàng ngàn trẻ em khác bị thương. Các gia đình ở dải Gaza hiện đã cạn kiệt thực phẩm, nước, điện, thuốc men và không còn khả năng tiếp cận bệnh viện một cách an toàn khi tất cả các tuyến đường tiếp tế bị cắt. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đang kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo để cung cấp viện trợ rất cần thiết, duy trì các dịch vụ cứu sinh cho trẻ em.

“Tình hình thật thảm khốc, với những vụ đánh bom không ngừng và sự gia tăng lớn về số lượng trẻ em và gia đình phải di dời. Không có nơi nào an toàn. Trẻ em ở Gaza cần được hỗ trợ cứu sống và mỗi phút đều có giá trị” - Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF - cho biết.

Nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng bị tàn phá, hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Một số người phải trú ẩn trong trường học hoặc bệnh viện trong khi một số trường học đã bị hư hại trong các cuộc tấn công. 2 bệnh viện chính của Gaza - vốn đã cạn kiệt nhiên liệu và quá tải dân thường bị thương - cũng đã được cảnh báo phải di chuyển bệnh nhân và nhân viên khẩn cấp trong vòng vài giờ. “Hiện tại, không có lối thoát nào cho dân thường ra khỏi Gaza. Tại các bệnh viện ở Gaza, phòng chăm sóc đặc biệt chật cứng bệnh nhân bị thương, hầu hết là trẻ em dưới 3 tuổi. Nhiều trẻ trong khoa hồi sức cấp cứu cần máy thở và hầu hết không thể sơ tán được vì nếu di chuyển, chúng sẽ chết” - Ahmed Al-Mandhari - Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cho biết.

Theo báo cáo của WHO, sau hơn 10 ngày diễn ra cuộc xung đột, hơn 60% số người thiệt mạng và bị thương là phụ nữ và trẻ em. Nhiều đứa trẻ sống sót đang đói khát và mất gia đình. “Nhân viên của UNICEF vẫn cố gắng tiếp tục đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của trẻ em trên khắp dải Gaza, nhưng việc tiếp cận ngày càng trở nên khó khăn và nguy hiểm. Thật đau lòng khi mỗi giây, mỗi phút chứng kiến những đứa trẻ tử vong hoặc thương tích đầy người. Tại sao điều này lại xảy ra với những đứa trẻ? Trẻ em ở mọi nơi phải luôn được bảo vệ và không bao giờ bị tấn công. Chúng phải được an toàn bởi mọi đứa trẻ đều xứng đáng được như vậy” - bà Catherine Russell nói. 

Theo phụ nữ TPHCM