Cảnh báo hơn 200 triệu người mất chỗ ở vì biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc 22:50, Thứ sáu, 17/09/2021 (GMT+7)
Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ gây tác động to lớn đến hàng trăm triệu người nếu không có biện pháp khẩn cấp.
Người dân Honduras dọn dẹp sau bão hồi tháng 12.2020 - REUTERS
AP vừa qua dẫn báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo biến đổi khí hậu có thể buộc hơn 200 triệu người rời bỏ nhà cửa cho đến năm 2050 và tạo ra các điểm nóng di cư nếu không có các biện pháp khẩn cấp để giảm lượng khí thải toàn cầu, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Theo báo cáo, những tác động từ từ của biến đổi khí hậu như khan hiếm nước, năng suất cây trồng giảm và mực nước biển dâng cao, có thể dẫn đến làn sóng di cư trong 30 năm tới với 3 kịch bản.
Theo kịch bản xấu nhất, với mức phát thải cao và sự phát triển không đồng đều, dự báo sẽ có tới 216 triệu người phải di cư tại các quốc gia ở 6 khu vực được phân tích gồm: Mỹ Latinh; Bắc Phi; châu Phi cận Sahara; Đông Âu và Trung Á; Nam Á; Đông Á và Thái Bình Dương.
Trong kịch bản với mức phát thải thấp và phát triển bền vững, số lượng người di cư vẫn có thể lên đến 44 triệu người.
Bà Viviane Wei Chen Clement, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết những phát hiện này "tái khẳng định khả năng của khí hậu trong việc gây ra tình trạng di cư nội địa".
Báo cáo cũng cảnh báo rằng các điểm nóng di cư có thể xuất hiện trong vòng một thập niên tới và gia tăng cho đến năm 2050. Các tác giả của báo cáo cho rằng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra nếu những hành động chung để giảm lượng khí thải và đầu tư vào phát triển không được thực hiện, đặc biệt là trong thập niên tới đây.
Báo cáo cũng đưa ra một số biện pháp như đưa mức phát thải ròng về 0 đến năm 2050 để có thể kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C và đầu tư vào phát triển “xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với Thỏa thuận chung Paris về khí hậu”.
Theo thanhnien