Những người di cư giận dữ mất nơi trú ẩn do hỏa hoạn tại trại tị nạn lớn nhất châu Âu ở đảo Lesbos của Hy Lạp đã yêu cầu được rời khỏi nơi đây vào hôm 12/9, trong khi nhà chức trách mở các khu lều trại mới. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi tiếp nhận thêm người tị nạn.
Hơn 12.000 người, hầu hết đến từ châu Phi và Afghanistan, phải ở trong cảnh không có nơi trú ẩn sau khi một trận hỏa hoạn quét qua trại Moria - khu trại nổi tiếng là tồi tàn và quá đông đúc - vào đầu tuần này. Một số người tị nạn nhiễm Covid-19, làm dấy lên lo ngại dịch có thể lây lan.
Dưới cái nắng gay gắt vào hôm 12/9, hàng trăm người di cư tập trung lại, hô vang “tự do” và “không thêm trại” trong khi máy ủi dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị dựng lều mới cho trại tị nạn. Một số người cầm biểu ngữ viết "Chúng tôi không muốn lại đến một địa ngục như Moria" và “Bà có nghe thấy chúng tôi không, bà Merkel?” - lời kêu gọi thủ tướng Đức chấp nhận thêm người tị nạn.
“Đám cháy khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều", Sajida Nazari, một sinh viên 23 tuổi người Afghanistan đến Lesbos được hơn một năm, nói với Reuters. "Chúng tôi không có thức ăn, chúng tôi không có nước, chúng tôi không có tự do."
Cảnh sát đã bắn một loạt đạn hơi cay khi người biểu tình cố gắng tuần hành xuống con đường dẫn đến cảng Mytilene - cảng chính của hòn đảo. Cảnh sát đã chặn con đường này lại trong khi công tác dựng lều mới tiếp tục diễn ra gần đó.
Đám cháy tại khu trại - nơi đang phải chứa số lượng người gấp 4 lần so với dự kiến - trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng nhập cư mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt. EU vẫn đang vật lộn để tìm giải pháp vượt ra ngoài các biện pháp tạm thời.
Trong ảnh, người tị nạn từ trại Moria ném trả hơi cay về phía cảnh sát trong cuộc đụng độ. Phó thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi châu Âu chấp nhận nhiều người tị nạn hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz - người không chấp nhận điều này - khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn.
Người nhập cư ngủ trên một con đường sau khi trại tị nạn Moria bị lửa thiêu rụi. Nhà chức trách Hy Lạp đã từ chối việc chuyển số lượng lớn người khỏi đảo Lebos - hòn đảo cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài hải lý - mặc dù người dân địa phương ngày càng tức giận sau nhiều năm ở phải ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng di cư.
Binh sĩ Hy Lạp dựng lều mới cho người tị nạn ở trại Moria. Các quan chức cho biết họ quyết tâm cung cấp nơi trú ẩn, điều kiện vệ sinh thích hợp và ngăn chặn thảm họa nhân đạo. “Kể từ hôm nay, những người xin tị nạn sẽ bắt đầu vào lều và ở trong điều kiện an toàn”, Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi nói với các phóng viên tại hiện trường.
Người tị nạn xếp hàng để chuẩn bị vào lều mới. Việc kiểm soát tình hình càng trở nên cấp thiết hơn vì nhà chức trách đã mất dấu 35 người tị nạn có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Giới chức y tế đã hứa sẽ tiến hành các xét nghiệm nhanh tại lối vào của trại mới. Họ cũng cam kết có nơi cách ly sẵn sàng cho bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tuy nhiên, tình trạng mất vệ sinh những người tị nạn của trại Moria phải chịu đựng là trình trạng đáng báo động. “Đây là một quả bom y tế. Những người này thậm chí không có nước để dùng suốt những ngày qua. Thậm chí, họ không thể rửa tay”, Matina Pagoni, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Bệnh viện Athens và Piraeus, nói với kênh truyền hình Skai.
Theo Zing