12h trưa, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tan học, ùa ra cổng chính. Phạm Lan Quỳnh Anh và Phạm Hứa Quang Anh, lớp 12 Anh 1 thong thả đi bộ về nhà. Với cách xưng hô cậu - tớ, nếu không phải người quen hoặc không được giới thiệu, ít người nhận ra hai em là cặp song sinh. Cả hai hào hứng trò chuyện về những gì cần chuẩn bị cho hành trình du học Mỹ sắp tới. 

Trong đợt tuyển sinh cuối tháng 3 của các đại học Mỹ, Quỳnh Anh giành học bổng của Đại học Rochester trị giá 5,3 tỷ đồng, còn Quang Anh nhận học bổng 4,3 tỷ đồng của Đại học Williams. Theo bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2020 của US News and World Report, Rochester xếp thứ 29 trong danh sách đại học quốc gia (National Universities), còn Williams đứng thứ nhất của khối đại học khai phóng (Liberal Arts Colleges).

"Giành được học bổng của hai trường, chúng em rất hài lòng và vui hơn nữa khi cả hai sắp được cùng nhau đến Mỹ", Quang Anh nói.

Cặp song sinh Phạm Lan Quỳnh Anh và Phạm Hứa Quang Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ nhỏ, Quỳnh Anh và Quang Anh được tạo điều kiện để học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng nhau. Dần dần, cả hai đều quen với sự có mặt của người còn lại trong cuộc sống. Suốt 12 năm học, chỉ hai năm đầu Quỳnh Anh và Quang Anh học khác lớp, còn lại đều chung lớp và đồng hành trong các cuộc thi lớn nhỏ.

Sớm được bố mẹ định hướng và đầu tư học tiếng Anh, lên lớp 10, ngoài THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cả hai đỗ trường THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT chuyên Sư phạm. Sau khi cân nhắc và nhận được tư vấn của bố mẹ, hai chị em quyết định chọn lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuẩn bị những bước đầu tiên trong hành trình du học.

Quỳnh Anh cho biết lúc đầu hai em không có định hướng đi Mỹ, chưa xác định sẽ chọn nước nào. Đến khi thử sức với SAT vào học kỳ II năm lớp 10, Quỳnh Anh đạt 1560/1600, còn Quang Anh 1570/1600 ngay trong lần thi đầu tiên, cả hai bắt đầu cân nhắc lựa chọn Mỹ. "Bọn em nghĩ nếu không dùng kết quả này để du học Mỹ thì sẽ rất phí nên bắt đầu tìm hiểu các đại học, thi thêm chứng chỉ để làm hồ sơ giành học bổng", Quỳnh Anh nói.

Sau khi xác định mục tiêu, hai chị em ôn thi IETLS song song với việc tham gia hoạt động ngoại khóa và học tập tại trường. Do được học tiếng Anh từ nhỏ, cộng với việc được sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên, kỳ thi IELTS không làm khó được Quỳnh Anh và Quang Anh. Hai em giành kết quả bằng nhau, cùng đạt 8.0 vào đợt thi cuối học kỳ I năm lớp 11.

Hai chị em cho rằng ngoài thành tích tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa được thể hiện trong bài luận chính là điểm sáng trong hồ sơ. Với niềm đam mê thiết kế, Quang Anh tham dự chuỗi sự kiện của chương trình Ngày hội anh tài, giữ chức Trưởng ban Media Design. Hai năm tham gia sự kiện cho Quang Anh nhiều kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm.

Trong bài luận chính, chàng trai 18 tuổi mạnh dạn chọn chủ đề tương đối "khó nhằn" khi viết về sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật từ các hoạt động ngoại khóa. "Trong các hoạt động, em may mắn được trải nghiệm nhiều vai trò, từ thành viên đảm nhận việc thiết kế đến trưởng ban nên rút ra được cách bản thân mong muốn đón nhận và cảm thụ nghệ thuật trọn vẹn nhất", Quang Anh kể.

Quang Anh (thứ ba từ trái sang) cùng ban tổ chức chương trình Ngày hội anh tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quỳnh Anh lại chọn CLB Hà Nội - Ams Rock để gắn bó suốt ba năm THPT, mỗi năm lại giữ vai trò khác nhau, từ thành viên chơi keyboard đến chủ tịch. Trải qua những lần tổ chức biểu diễn với tư cách người đứng đầu, phải đảm nhận mọi công việc như thuê địa điểm, liên hệ nhạc sĩ, ca sĩ khách mời, Quỳnh Anh học được tác phong làm việc chuyên nghiệp, mở rộng tầm nhìn.

"Em nghĩ khi gặp khó khăn, cách đối diện và vượt qua sẽ thể hiện bản thân rõ nhất nên đã đưa quá trình hoạt động tại Hà Nội - Ams Rock Club vào bài luận chính", Quỳnh Anh chia sẻ.

Do cùng áp dụng "chiến lược" nộp nhiều trường, nếu có học bổng sẽ cân nhắc lựa chọn, Quỳnh Anh và Quang Anh phải viết 20-30 bài luận phụ, mỗi bài nộp cho một trường. Trong khi viết luận phụ, cả hai vẫn ôn thi học sinh giỏi quốc gia, thi ở trường đồng thời phải duy tri hoạt động ngoại khóa. Để cân bằng và tránh rơi vào căng thẳng, áp lực, hai chị em trò chuyện với cố vấn học tập.

Với quan điểm khi gặp khó khăn thì người kia cũng sẽ đối mặt với hoàn cảnh tương tự nên "cùng lo mà than thở với nhau cũng không giải quyết được gì", Quỳnh Anh và Quang Anh không tâm sự nhiều, chủ yếu đọc bài luận và sửa giúp nhau các lỗi ngữ pháp, diễn đạt.

Trong hai chị em, Quỳnh Anh điềm tĩnh và biết cách sắp xếp, quản lý công việc hơn, thường là người nhắc nhở Quang Anh mỗi khi em quá mải mê vào việc thiết kế, xem tivi mà quên làm bài tập. Cả hai rất ít cãi nhau, thường chỉ tranh luận về những vấn đề lặt vặt và chưa từng giận nhau quá nửa ngày.

Tuy nhiên, Quỳnh Anh và Quang Anh tự nhận mình không phải cặp song sinh hay nói chuyện tình cảm hoặc việc gì cũng chia sẻ với nhau. Ngược lại, các em tương đối độc lập, cố gắng không can thiệp nhiều vào các quyết định và hoạt động cá nhân của người còn lại. "Học cùng lớp, cùng trình độ lại có hoàn cảnh tương đồng nên bọn em đều hiểu khó khăn của mình cũng chính là những gì người còn lại đang đối mặt. Bọn em nghĩ cách tốt nhất là để mỗi người tự vượt qua, tránh dựa dẫm quá nhiều vào nhau", Quang Anh chia sẻ.

Cuối tháng 3, Quỳnh Anh nhận được tin đỗ Đại học Rochester với mức hỗ trợ tài chính 5,3 tỷ đồng. "Em rất hài lòng với kết quả này vì Đại học Rochester có môi trường âm nhạc phát triển, phù hợp cho em nếu muốn hoạt động ngoại khóa", nữ sinh chia sẻ.

Trong khi đó, dù được 2-3 trường đồng ý nhận, Quang Anh chưa ưng ý, vẫn đợi phản hồi từ Đại học Williams. Lo lắng thường trực, nam sinh tâm sự với chị gái và được Quỳnh Anh động viên, nếu không đỗ thì vẫn có thể lựa chọn một trong các trường đã đỗ để cùng du học.

Ngày Đại học Williams thông báo chính thức, một số bạn của Quỳnh Anh cũng nộp hồ sơ tại đây nhưng không ai đỗ. Nữ sinh đã nghĩ đến tình huống xấu nhất khi Quang Anh không thể trở thành tân sinh viên của trường yêu thích. Tuy nhiên, niềm vui như vỡ òa khi Quang Anh thông báo đã được Đại học Williams chấp nhận và tài trợ mức học bổng 4,3 tỷ đồng cho bốn năm học.

"Em không biết diễn tả niềm vui của mình như nào khi nhận được kết quả này. Ngoài việc đỗ được trường phù hợp thì việc có thể đến Mỹ cùng nhau cũng khiến em hào hứng và hài lòng về kết quả hơn", Quang Anh nói.

Quỳnh Anh (ngoài cùng bên phải) chụp cùng bạn bè trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Lê Thành Trung, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ của Đại học California, người giảng dạy Quỳnh Anh và Quang Anh trong suốt thời gian ôn thi học sinh giỏi quốc gia, đồng thời giúp các em sửa một số bài luận trong quá trình làm hồ sơ du học, đánh giá cặp song sinh rất giỏi, chăm chỉ và có ý thức học tập nghiêm túc. Thầy Trung cho rằng Quỳnh Anh và Quang Anh có thế mạnh khoa học xã hội, luôn xác định được cái gì mình thích và theo đuổi hết mình.

"Các em đều đến lớp và làm bài tập đầy đủ, nghiêm túc, đó là điều tôi rất trân trọng. Tôi cho rằng kết quả hai em nhận được từ hai đại học Rochester và Williams là hoàn toàn xứng đáng", thầy Trung nói.

Tháng 8 tới, theo kế hoạch, cặp song sinh sẽ lên đường đến Mỹ du học. Hai đại học Rochester và Williams nằm ở bờ Đông, cách nhau khoảng 350 km. Việc không còn ở cạnh nhau và sống cùng một nhà sẽ gây ra một số xáo trộn nhưng cả Quỳnh Anh và Quang Anh đều cho rằng "không quá lo lắng".

"Em nghĩ rằng không nhất thiết phải gặp liên tục mới là quan tâm nhau. Bọn em vẫn có thể duy trì liên lạc qua mạng xã hội, khi người này cần thì người kia vẫn sẵn sàng hỗ trợ. Vì thế em nghĩ khoảng cách không phải là vấn đề", Quang Anh khẳng định.

Theo vnexpress