Tháng 10 năm ngoái, Sebastian Williams, khi đó 10 tuổi, cùng bố mẹ và chị, em gái từ nhà ở London bắt đầu kỳ nghỉ tại Scotland.
Hôm đó, họ đi bộ lên Ben Cruchan, một nơi có độ cao 1.126m ở Argyll & Bute. Lúc xuống dốc, thời tiết đột nhiên xấu đi. Cả gia đình đi lạc khi bóng tối bủa vây. Trong lúc đang lần đường, người mẹ là Suzanne, 43 tuổi, đang đứng thấp hơn những người khác một chút, bất ngờ bước xuống đám cỏ. Cô bị vấp, hụt hơi và ngã nhào xuống núi trước vẻ mặt kinh hoàng của chồng và các con.
"Cô ấy trượt xuống núi quá nhanh, cơ thể bị vùi dập và quằn quại", Derek, người chồng nhớ lại. Cuối cùng, Suzanne mắc lại ở một nơi gần con sông và thác nước. Một nửa cơ thể cô chìm trong nước, lòng bàn chân kẹt vào một khe đá.
Tất cả họ đều vô cùng sợ hãi. Hai cô con gái khóc nức nở. Derek cố gắng kêu cứu nhưng điện thoại hết pin. "Tôi không biết phải làm gì", người đàn ông nhớ lại phút bối rối.
Giữa lúc đó, Sebi bò xuống khe núi, nơi mẹ cậu nằm đó, dù bị cha ngăn cản. Xung quanh họ là bụi và đá. "Cháu chỉ nghĩ lúc này mẹ cần mình nên đến. Mẹ co cụm như một quả bóng. Cháu không biết mẹ bị thương ở đâu nhưng cảm nhận vết thương rất nặng và mẹ rất đau", cậu bé kể.
Suzanne cố gắng lấy điện thoại của mình gọi 999. Nhưng cô quá đau đớn nên cậu con trai 10 tuổi mới là người lo liệu việc còn lại. Cậu thông báo tình hình, nói vị trí đang bị kẹt lại. Được hướng dẫn bật đèn pin lên để đội cứu hộ dễ tìm, cậu làm theo. Sebi tiếp tục nắm tay và nói chuyện, mong mẹ không lịm đi.
"Cháu nói với mẹ về kỳ nghỉ tuyệt vời gia đình mình sẽ đi cùng nhau ở Namibia, sẽ cưỡi ngựa thế nào vào ngày mai. Cháu dặn mẹ mọi thứ đều ổn và đội cứu hộ trên núi đã đến", Sebi nhớ lại.
Cha cậu bé không thể nghe thấy con nói gì, nhưng khi đội cứu hộ đến, họ bảo với anh, Sebi đã làm rất tốt. "Cậu bé làm đúng theo hướng dẫn, rất điềm tĩnh và lịch sự", một người trong đội nhận xét.
Suzanne được đưa đến Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Glasgow. Cô bị gãy hai xương ở cổ và xương bánh chè vỡ nát. Qua ba tuần điều trị tại bệnh viện ở Scotland, người mẹ được về nhà.
Dù sức khỏe chưa ổn, nhưng gần đây, Suzanne và gia đình đã quyên góp được 14.000 bảng Anh cho đội cứu hộ trên núi. "Nếu không có sự dũng cảm của Sebastian có lẽ mẹ cậu bé chẳng thể làm điều ý nghĩa như vậy hôm nay", Craig Sweeney, giám đốc công ty tìm kiếm và cứu nạn Prestwick khen ngợi.
Sau tròn một năm, cuối tháng 10 vừa qua, đích thân cầu thủ bóng đá nổi tiếng David Beckham đã đến khách sạn ở London - nơi gia đình Sebi nghỉ - trao giải thưởng Pride of Britain (Giải thưởng tôn vinh những người Anh đã hành động dũng cảm hoặc phi thường trong các tình huống thử thách) cho cậu bé.
Đội cứu hộ trên núi - những người mà Sebi chỉ dẫn để tìm được đường đến cứu gia đình mình đã đề cử cậu.
"Chú đã nghe kể về cháu, thật không thể tin được. Nó thực sự là câu chuyện truyền cảm hứng", David Beckham nói với cậu bé.
Khoảnh khắc trao thưởng cho Sebi là một trong những điểm nổi bật của Lễ trao giải Pride of Britain năm 2020, sẽ được chiếu vào tối 31/10, trên một kênh truyền hình của Anh.
Theo vnexpress