Đỗ Quang Duy, 32 tuổi, rời quê nhà Bắc Giang tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để học tiếng Trung và theo đuổi tấm bằng thạc sĩ kinh tế môi trường tại đại học Địa chất Trung Quốc cách đây 4 năm. Năm nay, Duy quyết định ở lại Vũ Hán đón Tết vì có vợ và con gái nhỏ vừa từ Việt Nam sang.
Gia đình nhỏ của Duy háo hức chờ đợi màn bắn pháo hoa và đếm ngược đón giao thừa hoành tráng trong cái Tết đầu tiên ở Vũ Hán, tuy nhiên, thực tế khác xa với họ tưởng tượng.
Đúng ngày 29 Tết, tức 23/1, chính quyền thành phố Vũ Hán tuyên bố áp lệnh phong tỏa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để kiềm chế sự lây lan của dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV). Mọi hoạt động chào mừng năm mới bị hủy, các phương tiện bị cấm lưu thông, sân bay ngừng hoạt động. Từ một trong những thành phố đông dân và sầm uất nhất của Trung Quốc, Vũ Hán như biến thành "đô thị ma".
Duy chưa bao giờ trải qua đêm giao thừa nào tĩnh mịch đáng sợ như thế. Không pháo hoa, không tiếng cười nói, chỉ có tiếng công nhân vệ sinh đi thu gom rác và tiếng còi xe cấp cứu thi thoảng hú lên. Gia đình ở Bắc Giang gọi điện sang lo lắng, anh chỉ biết trấn an rằng mình và vợ con vẫn ổn, rồi mọi chuyện sẽ qua.
Tròn hai tuần Vũ Hán áp lệnh phong tỏa cũng là hai tuần đầy thử thách với những người đang mắc kẹt ở thành phố này giữa dịch viêm phổi như Duy. Có lúc anh ở trong phòng 4 ngày liên tiếp, không ra ngoài. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên Duy làm là lấy nhiệt kế đo thân nhiệt của mình và vợ con rồi báo cáo cho ban quản lý trường và hội lưu học sinh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc lập ra.
"Việc phải ngừng mọi hoạt động và ở một chỗ không đáng sợ bằng áp lực tâm lý khi sống giữa thành phố khởi phát dịch bệnh", anh nói. "Mỗi ngày, số ca tử vong lại tăng lên, 100, 200, rồi 400 và giờ đã quá 700, trong khi có hàng nghìn ca nhiễm mới. Những con số biết nói ấy khiến tôi hiểu rằng mình đang sống ở nơi nguy hiểm nhất hành tinh lúc này".
|
Quang Duy đứng trước một khu chợ ở Vũ Hán đãđóng cửa do lệnh phong toả hôm 27/1. Ảnh:Nhân vật cung cấp |
Giữa lúc dịch bệnh bùng phát, con gái 9 tháng tuổi của Duy có dấu hiệu không khỏe. Bé không sốt, không ho, nhưng ăn xong bị nôn trớ và đi ngoài rất nhiều. Vợ chồng Duy lo lắng không biết có nên đưa con đến bệnh viện hay không vì sợ môi trường bệnh viện dễ lây nhiễm virus. Theo dõi 6 tiếng, thấy con không đỡ, anh và vợ quyết định đưa đi khám. Họ thở phào nhẹ nhõm khi bé chỉ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, được bác sĩ truyền nước và cho về nhà luôn hôm đó.
Vũ Hán có rất nhiều trường đại học lớn và là một trong những thành phố đông sinh viên bậc nhất Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 281 trong số 302 sinh viên Việt Nam ở Vũ Hán đã về nước ăn Tết, chỉ còn 21 người ở lại vùng dịch. Tại khu ký túc xá của trường Đại học Địa chất, hầu hết lưu học sinh cũng đã nghỉ Tết hoặc được sơ tán về nước, chỉ còn lác đác vài người châu Phi và Pakistan. Gia đình Duy là gia đình duy nhất còn ở đây.
Hàng tuần, họ được ban quản lý ký túc xá trường phát miễn phí khẩu trang N95 và hai túi thực phẩm gồm cà chua, khoai tây, cà rốt và hành tây. Duy tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc mọi người, uống nhiều nước, ăn hoa quả để tăng sức khỏe và khả năng đề kháng.
Cuộc sống giữa 4 bức tường tuy phần nào an tâm nhưng cũng khiến Duy thấy tù túng và lo lắng. Mỗi ngày, anh đọc cả trăm bài báo với đủ các thông tin hỗn loạn về dịch bệnh ở Vũ Hán cũng như trên thế giới. Anh nuôi hy vọng khi cập nhật những tiến bộ trong việc nghiên cứu nCoV và điều chế vaccine, nhưng cũng trăn trở khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng và cả thế giới được đặt trong tình trạng báo động. Nhiều thông tin thất thiệt như "có hơn 100.000 ca nhiễm nCoV ở Vũ Hán" hay "xác người chết la liệt trên đường phố" khiến anh thấy buồn.
"Tôi sụt cân vì mất ngủ mấy đêm", Duy kể. "Dịch bùng phát sát Tết, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều nghỉ, lượng người đổ về quê rất lớn nên thật sự khó kiểm soát. Tôi cũng mong đưa vợ con về Việt Nam nhưng bây giờ tình hình rất khó khăn".
Sau 4 ngày chôn chân trong nhà, Duy quyết định ra ngoài để bổ sung thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, đồng thời lấy lại cân bằng về tinh thần.
"Đi ra đường ở Vũ Hán vào thời điểm này có lẽ là việc điên rồ nhất nhưng tôi vẫn muốn làm bởi có rất nhiều người thân, bạn bè lo lắng hỏi han xem tình hình ở bên này ra sao. Cũng có rất nhiều 'tin vịt' khiến tôi muốn dùng những hình ảnh thực tế mắt thấy tai nghe để bác bỏ".
Để ra khỏi trường, anh Duy phải đi qua hai chốt kiểm tra thân nhiệt tại cửa ký túc xá và cổng. Đường phố Vũ Hán vắng tanh, thi thoảng anh mới bắt gặp một người đi xe đạp hay một chiếc ôtô trên đường. Các cửa hàng tiện lợi từng mở cửa 24/24 nay cũng đóng cửa. Hiếm hoi lắm anh mới tìm được một vài cửa hàng còn mở nhưng chỉ lác đác người mua, dù bình thường phải xếp hàng rất lâu. Ai cũng đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào.
"Thực phẩm không quá khan hiếm nhưng thiếu thốn hơn trước, vì thế giá cả bị đẩy lên một chút. Ví dụ, một bó rau trước đây có giá 3-4 tệ thì nay 5,6 tệ", Duy kể.
Video về cuộc sống ở Vũ Hán được đăng tải trên kênh YouTube riêng của Duy đã được chia sẻ lại nhiều lần, thu hút gần 4 triệu lượt xem. Anh cũng nhận được hàng nghìn bình luận thăm hỏi, động viên từ những người lạ.
"Điều này khiến mình rất xúc động và như có thêm động lực mới vào thời điểm khó khăn này", Duy nói. "Dù Vũ Hán bị phong toả nhưng mình cảm thấy vẫn duy trì được sợi dây kết nối với thế giới bên ngoài".
Cuộc sống dưới lệnh phong toả sau hai tuần có "dễ thở" hơn. Nhìn ra cửa sổ, Duy thi thoảng bắt gặp những người dắt chó đi dạo, đi siêu thị hay ra ngoài vận động sau những ngày dài chôn chân trong nhà.
Sáng nọ, mở cửa ra, anh bất ngờ thấy hai hộp sữa khá đắt tiền được một người nào đó giấu tên đặt trước phòng để gửi tặng con gái anh, kèm lời nhắn bằng tiếng Anh "Be safe" (Hãy bảo trọng nhé). Duy đã lên các nhóm lưu học sinh để tìm người này cảm ơn và gửi lại tiền nhưng không ai lên tiếng.
"Thành phố Vũ Hán vốn rất hiện đại và năng động. Người dân cũng rất thân thiện, dễ mến", anh nói. "Tôi hy vọng các y bác sĩ sớm khống chế được dịch bệnh nguy hiểm này để mọi người an tâm. Còn chúng tôi, dù thế nào, chúng tôi vẫn phải sống".
Theo
vnexpress