Ánh mặt trời chói chang, đồ uống đầy tràn và tiếng âm nhạc vang lên trong không khí. Đây là cảnh tượng ngày 1/7 năm nay tại Cộng hòa Séc. Trong khi nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục chiến đấu với đại dịch, nước này tổ chức một "bữa tiệc chia tay Covid-19" trên cây cầu Charles biểu tượng, với sự tham gia của 2.000 người.
"Đây là lễ kỷ niệm để mọi người thấy chúng tôi không sợ hãi, không phải nhốt mình trong phòng", ông Ondrej Kozba, trưởng ban tổ chức, hào hứng nói. Lúc này, Cộng hòa Séc vừa chấm dứt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
"Chúng tôi cần tuyên bố với thế giới rằng chúng tôi đang trở lại cuộc sống bình thường và chào đón khách du lịch", ông Zdenek Hrib, Thị trưởng thành phố Prague, nói.
Bốn tháng sau, Cộng hòa Séc là một trong những nơi dịch bệnh tái bùng phát mạnh mẽ nhất, với hơn 300.000 bệnh nhân và gần 3.500 trường hợp tử vong. Ba phần tư ca nhiễm được báo cáo trong tháng 9.
Đây không phải quốc gia duy nhất chiến đấu với làn sóng thứ hai của Covid-19. Những ngày vừa qua, châu Âu báo cáo khoảng 1,5 triệu ca mắc mới, số người tử vong tăng 32%. Chỉ trong hai tuần, một số nước bao gồm Đức, Pháp và Cộng hòa Séc đã thắt chặt các biện pháp hạn chế, nỗ lực làm giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Hàng nghìn người dân Cộng hòa Séc tham gia bữa tiệc "chia tay Covid-19" tại cầu Charles, ngày 1/7. Ảnh: Shutterstock
Truyền thông thế giới và cộng đồng đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến châu Âu một lần nữa gục ngã trước dịch bệnh?
Theo giáo sư Martin McKee, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nhiều vấn đề bắt nguồn từ giai đoạn mùa hè, khi các quốc gia vội vàng nới giãn cách xã hội mà không củng cố lại hệ thống y tế. "Một số khu vực mở cửa trước khi thực sự kiểm soát được dịch bệnh. Hệ thống truy vết tiếp xúc chưa đủ sẵn sàng cho điều này", ông nói.
Ngay sau đó, số ca nhiễm chỉ tăng nhanh. Nhiều nơi không còn cơ hội "chữa cháy". Ví dụ, Tây Ban Nha bỏ lệnh giãn cách ngày 3/6. Song đến giữa tháng 7, nước này mới có 3.500 nhân viên phụ trách theo dõi tiếp xúc. Con số hiện nay tăng lên 8.500 người, bao gồm lực lượng vũ trang. Song mức độ tuân thủ quy định còn thấp. Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân dương tính, chỉ khoảng 55% số người bị cách ly.
Daniel López-Acu#a, chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn cho khu vực Asturias của Tây Ban Nha, nhận định: "Chúng ta không chú ý phòng ngừa. Nhiều nơi đã thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cơ bản, thực hiện đủ số xét nghiệm PCR và tăng cường truy vết tiếp xúc cho đến khi có làn sóng thứ hai".
Các nhân viên y tế cho biết kết quả xét nghiệm được công bố quá chậm, trong khi tỷ lệ dương tính đã nhanh chóng tăng lên hơn 10%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số 5% đã là "quá cao".
Ở Bỉ, nhà chức trách không xét nghiệm cho những người trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với các ca dương tính do phòng thí nghiệm đã quá tài.
Tại Italy, chỉ 1.775 người nhiễm nCoV có sử dụng App Immuni (tương tự ứng dụng BlueZone ở Việt Nam) dù chính phủ đã truyền thông mạnh mẽ. Con số này khá ít ỏi so với 20.000 trường hợp dương tính được xác nhận hàng ngày. Người dân cũng phải xếp hàng tới 11 tiếng tại các điểm xét nghiệm lưu động.
Tình hình ở Pháp không sáng sủa hơn. Khi công bố đợt giãn cách thứ hai, Tổng thống Emmanuel Macron đã thừa nhận hệ thống sàng lọc và truy vết đang gặp khó khăn, cần tái cơ cấu. Quốc gia nỗ lực tăng năng suất sàng lọc y tế sau khởi đầu chậm chạp, đạt hơn 1,9 triệu xét nghiệm vào tuần trước. Các chuyên gia cảnh báo hệ thống truy vết tiếp xúc "rõ ràng bị quá tải một thời gian". Trong vòng 24 giờ, chỉ 48% xét nghiệm có kết quả, con số giảm theo từng ngày.
Ngay cả Đức, quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp hồi tháng 3 và tháng 4, cũng bị áp đảo trong đợt bùng phát thứ hai. Nhiều chuyên gia, trong đó có nhà virus học hàng đầu đất nước, Christian Drosten, đã kêu gọi chính phủ thay đổi chiến lược: bỏ qua các cá nhân tiếp xúc với một nguồn lây, tập trung vào "cụm dịch" nơi nhiều người nhiễm cùng một lúc.
Tuy nhiên, khi công bố lệnh giãn cách xã hội hôm 27/10, Thủ tướng Angela Merkel cho biết chỉ xác định được nguồn lây của 25% số trường hợp dương tính, hầu hết là người trong gia đình.
Sinh viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh thu thập mẫu xét nghiệm Covid-19 tại trạm lưu động, tháng 9/2020. Ảnh: NY Times
Với kinh nghiệm từ đầu đại dịch, các chuyên gia cho rằng sự thất bại trong trong việc xét nghiệm và truy vết tiếp xúc là không thể tránh khỏi. Devi Sridhar, giáo sư về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, Đại học Edinburgh, cho biết: "Vào mùa hè, chúng tôi nỗ lực hết mình để giảm số lượng bệnh nhân. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có nên cố gắng giảm thêm số ca nhiễm, duy trì lệnh hạn chế trong vài tuần, củng cố hệ thống sàng lọc và theo dõi, tiến hành kiểm tra và ngăn chặn ca nhiễm nhập khẩu?".
Bà nhắc đến trường hợp của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Đây là những nơi ảnh hưởng nặng nề trong những tháng đầu năm, song không trải qua đợt bùng phát thứ hai quá nghiêm trọng. Khác với các nước châu Á, châu Âu chưa từng thực sự thoát khỏi đại dịch. Vào mùa hè, lượng khách du lịch tăng đột biến khiến tình hình càng trở nên ảm đạm.
"Người dân châu Âu nói chung đã đi nghỉ vào tháng 8. Họ đưa Covid-19 đến những quốc gia như Hy Lạp, nơi cuộc sống tương đối bình thường và chính phủ tích cực thu hút khách du lịch. Sau đó, họ mang mầm bệnh trở về quê hương. Đây là lời giải thích đơn giản nhất", giáo sư Martin McKee nhận định.
Giả thuyết của ông tương đồng với một nghiên cứu của Đại học Basel, công bố hôm 29/10. Các nhà khoa học phát hiện ra biến chủng mới của nCoV, bắt nguồn từ Tây Ban Nha, đang lây lan mạnh ở châu Âu. Đột biến này là nguyên nhân cho 80% ca nhiễm ở Anh.
Song trong nhiều tháng liền, toàn lục địa "ngủ quên" trong cảm giác "an toàn giả". Các ca mắc mới vào mùa hè chủ yếu là người trẻ tuổi. Họ hiếm khi chuyển nặng nên tỷ lệ tử vong trong khu vực ban đầu vẫn ở mức thấp.
"Không ai nghe lời cảnh báo của chúng tôi", giáo sư McKee. Giờ đây, viễn cảnh cho những tháng mùa đông sắp tới trở nên "đáng sợ".
"Chúng ta đã lỡ mất cơ hội. Tại châu Âu, có cảm giác như các nước chỉ đang cạnh tranh để không ở vị trí tồi tệ nhất", giáo sư Devi Sridhar nói.
Theo vnexpress