leftcenterrightdel
 Theo yêu cầu, các công ty sẽ phải đảm bảo ít nhất 40% nữ giới trong hội đồng quản trị và 33% ở các chức vụ quản lý

Sau 10 năm bế tắc kể từ lần đầu đề xuất, các nhà lập pháp EU đã ca ngợi một thỏa thuận "mang tính bước ngoặt" về bình đẳng giới. Ngoài mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý, các công ty cũng có thể bị phạt nếu không tuyển dụng đủ phụ nữ vào ban điều hành. Các cuộc họp hội đồng quản trị cũng bị hủy bỏ nếu không tuân thủ luật pháp.

Kể từ ngày 30/6/2026, các công ty lớn hoạt động ở EU sẽ phải đảm bảo tỷ lệ 40% “giới tính thiểu số” - thường là phụ nữ - trong số các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành. EU cũng đã đặt mục tiêu 33% đối với phụ nữ ở tất cả các vai trò cấp cao, bao gồm cả bậc giám đốc, chẳng hạn như giám đốc điều hành và giám đốc vận hành.

Năm 2021, phụ nữ chiếm 30,6% các vị trí trong hội đồng quản trị trên toàn EU, nhưng con số này rất khác nhau trên 27 quốc gia thành viên. Theo Viện Bình đẳng giới châu Âu, Pháp - nơi áp dụng hạn ngạch 40% nữ giới trong hội đồng quản trị - là quốc gia EU duy nhất vượt quá ngưỡng đó, với 45,3% số ghế do phụ nữ chiếm giữ.

Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ và Đức là những quốc gia bình đẳng tiếp theo, với từ 36% đến 38% nữ giới tham gia vào phòng họp; trong khi dưới 1/10 giám đốc không điều hành là phụ nữ ở Hungary, Estonia và Síp.

Lara Wolters – một chính trị gia Hà Lan, người đã đàm phán luật với các chính phủ EU - cho biết: “Tất cả dữ liệu cho thấy bình đẳng giới ở các công ty đứng đầu không phải do may mắn mà có được".

Cô nói thêm: “Chúng tôi cũng biết rằng sự đa dạng hơn trong các phòng họp góp phần đưa ra quyết định và kết quả tốt hơn. Hạn ngạch này có thể là một động lực đúng hướng cho sự bình đẳng và đa dạng hơn trong các công ty".

Các nhà chức trách quốc gia, những người chịu trách nhiệm thực thi chỉ thị, được trao quyền để đưa ra mức phạt tiền. Các tòa án quốc gia có thể hủy bỏ các lựa chọn trong phòng họp nếu một công ty vi phạm luật. Các biện pháp này sẽ không áp dụng cho các công ty có ít hơn 250 nhân viên.

Ủy ban Châu Âu lần đầu tiên đưa ra đề xuất về hạn ngạch 40% đối với phụ nữ trong hội đồng quản trị vào năm 2012, nhưng kế hoạch này đã bị các quốc gia thành viên lớn bao gồm Đức và Anh ngăn cản.

Tại Anh, hạn ngạch bắt buộc đã bị phản đối bởi chính phủ Đảng Dân chủ Tự do-Bảo thủ khi đó, vốn ưa thích cách tiếp cận tự nguyện. Điều đó đã giúp Anh trở thành một trong những quốc gia có thành tích tốt nhất ở châu Âu, với trung bình 39,1% phụ nữ trong hội đồng quản trị của 100 công ty có mức vốn hóa hàng đầu trên thị trường vào năm 2022.

Ủy ban đã phục hồi dự thảo luật vào năm 2020, sau khi các quốc gia chủ chốt thay đổi quan điểm của họ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Sau 10 năm, kể từ khi Ủy ban châu Âu đề xuất chỉ thị này, đã đến lúc chúng ta phá vỡ bức tường. Có rất nhiều phụ nữ đủ tiêu chuẩn cho những công việc hàng đầu và họ sẽ nhận được chúng”.

Theo phunuonline