Cổ động viên Anh trên sân Wembley sau trận bóng ngày 13-6-2021. Những sân vận động đầy người như chưa hề có COVID-19 báo động về làn sóng lây nhiễm COVID-19 với biến thể Delta ở châu Âu - Ảnh: REUTERS


Biến thể Delta lây nhanh hơn 60% so với biến thể Alpha - lần đầu được phát hiện tại Anh, vốn cũng là một biến thể lây nhanh hơn chủng gốc. Biến thể này hiện là nguyên nhân của nhiều ca bệnh COVID-19 phải nhập viện ở Anh. Biến thể Delta cũng làm giảm đôi chút hiệu quả của các loại vắc xin (vaccine) COVID-19 sẵn có.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng ở châu Âu. Trên thực tế, đã có những tín hiệu cho thấy điều này đang xảy ra.

Ngày 29-6, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết các ca mắc biến thể này đã có mặt trong khoảng 20% số ca nhiễm ở Pháp, tăng khoảng 10% so với tuần trước.

Theo kênh truyền hình Deutsche Welle ngày 29-6, biến thể Delta có thể đã hiện diện trong hơn 50% số ca nhiễm ở Đức.

Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng báo động về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mắc biến thể Delta. Delta Plus, một đột biến của biến thể Delta, cũng đã có mặt ở một số nước châu Âu.

Đức và Pháp đã đưa ra quy định bắt buộc cách ly với du khách đến từ Anh. Đức thậm chí còn kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết, cùng có quy định bắt buộc cách ly với du khách từ Anh.

Nhưng hành động này vẫn được xem là quá trễ, và không đủ sức ngăn chặn một làn sóng dịch mới.

Tom Wenseleers, nhà sinh học tiến hóa và thống kê sinh học tại Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ, nhận định: "Tôi không tin các nước châu Âu, với chính sách mở cửa nền kinh tế, cởi mở trong kiểm soát biên giới, ít áp dụng các biện pháp hạn chế, truy vết... có thể đẩy lùi được biến thể Delta".

Theo nhận định của ông Wenseleers, các trường hợp nhiễm biến thể Delta trên thực tế có thể còn cao hơn những con số đã được công bố ở rất nhiều nước.

Biến thể này chiếm 95% trong số các ca nhiễm mới ở Anh, và kinh nghiệm cho thấy những gì xảy ra ở Anh thì cũng thường lặp lại ở Mỹ và các nước châu Âu khác.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của châu Âu dự báo đến cuối tháng 8, biến thể Delta sẽ chiếm đến 90% số ca nhiễm tại EU.

Tin mừng là vắc xin COVID-19 vẫn có thể là cứu cánh nếu các nước châu Âu triển khai tiêm vắc xin đủ nhanh chóng. Hiện tại, các loại vắc xin được sử dụng phổ biến ở châu Âu như vắc xin của hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna cho thấy hiệu quả với biến thể Delta, nhưng hiệu quả bảo vệ sau liều đầu tiên thì lại giảm.

Trước thực tế này, châu Âu cần phải chạy đua với thời gian để tiêm vắc xin cho hàng triệu người, đặc biệt là người trẻ. Số liệu ở Anh cho thấy, người trẻ, chưa tiêm vắc xin và những người mới tiêm 1 liều có rủi ro bị nhiễm COVID-19 cao do biến thể Delta.

Biến thể Delta của virus gây bệnh COVID-19, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, đã lan ra hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Theo tuoitre