Người dân xếp hàng giữ khoảng cách hơn 1m trước một hiệu bánh ở thành phố Birmingham, Anh sáng 21-3 - Ảnh: AFP

Cách hành xử của chúng ta hiện là liều thuốc hiệu quả nhất mà chúng ta đang có: đó là giảm bớt đời sống cộng đồng càng nhiều càng tốt, giảm bớt tiếp xúc với những người có thể làm lây lan virus. Nói ngắn gọn, đó là cách chúng ta cứu sống nhiều người.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong khi giải thích về chính sách tăng cường cách ly để chống dịch COVID-19 ở Đức


Theo Đài CNN, sắc lệnh mới của Bộ Y tế Ý ngày 20-3 cấm người dân không tới các công viên, khu vui chơi và các vườn công cộng từ ngày 21-3 cho tới ít nhất ngày

25-3. Sắc lệnh cũng cấm luôn cả việc chạy bộ, các hoạt động thể dục thể thao cũng như vui chơi thư giãn ngoài trời. Tất cả những hoạt động này giờ chỉ được diễn ra ở khu vực gần nhà và ngay cả thế thì trong lúc tham gia, mọi người phải đứng cách nhau 1m.

Tuy nhiên, 1m chưa phải đã xa. Ở Đức, nơi Thủ tướng Angela Merkel cũng đã phải tự cách ly sau khi một bác sĩ của bà dương tính với virus corona, người dân Đức được yêu cầu phải đứng cách nhau ít nhất 1,5m ở nơi công cộng để phòng lây nhiễm virus.

Chính quyền Đức cũng đã phát lệnh cấm tụ tập từ 2 người trở lên (dĩ nhiên ngoài số thành viên trong gia đình) và đóng cửa mọi cửa hàng kinh doanh không thiết yếu như tiệm massage, làm tóc, nhà hàng...

Quy định mới nêu rõ: "Việc dành thời gian tại nơi công cộng chỉ cho phép một mình bạn, với một người khác không sống cùng nhà hay với các thành viên trong cùng hộ gia đình".

Những quy định mới này là những điều chặt chẽ nhất về cách ly trong lịch sử hiện đại của Đức, theo trang Politico. Nó sẽ kéo dài trong ít nhất 2 tuần. Bà Merkel cũng cảnh báo về những hậu quả nếu người dân vi phạm. Bà nhấn mạnh: "Đây không phải là những khuyến nghị, mà là luật lệ".

Trong khi đó tại Vương quốc Anh, theo Đài Sky News, chính phủ sẽ sớm gửi thư tới 1,5 triệu người dân thuộc nhóm nguy cơ cao nhất, hối thúc họ nên tự cách ly trong một thời gian dài để chờ dịch COVID-19 bớt căng thẳng.

Giới chức Anh cho rằng đây là nhóm có nguy cơ cao nhất về hệ lụy sức khỏe nếu bị COVID-19 vì tình trạng sức khỏe hiện tại của họ. Trong nhóm này có những người đã được ghép tạng, người bệnh ung thư phổi đang hóa trị hay xạ trị, những người bị ung thư máu, bệnh nhân lymphoma... Đây là những người cần phải tự cách ly ít nhất 12 tuần.

Nhiều nước châu Âu cũng đã áp dụng các quy định hạn chế tụ tập đông người để phòng lây lan dịch bệnh COVID-19. Theo báo New York Times, Thụy Sĩ quy định những người trong nhóm gồm chưa tới 5 thành viên sẽ phải cách nhau ít nhất 2m, nếu không sẽ bị phạt. Thủ tướng Áo cũng công bố lệnh hạn chế đi lại ở những nơi công cộng, cấm tụ tập các nhóm từ 5 người trở lên.

Mỹ đối diện các thách thức lớn

Tờ Wall Street Journal cho rằng có một số nguyên nhân chính gây khó khăn cho việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ.

Đó là tình trạng lây nhiễm không thể biết giữa những người mang mầm bệnh mà không có biểu hiện triệu chứng và sự thiếu thốn các xét nghiệm khiến các chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho rằng không thể biết được bao nhiêu người thực sự mắc bệnh COVID-19 trong nước.

Trong khi đó, những thông tin này sẽ giúp đưa ra những quyết định chính xác như cần phân bổ, điều động trang thiết bị y tế và nhân sự y tế tới đâu, những ai cần cách ly và làm thế nào để ngăn chặn những hệ lụy về kinh tế cũng như tâm lý từ đại dịch.

Theo báo New York Times, khi số ca bệnh COVID-19 đã xác định được ở Mỹ vượt qua mốc 31.700, giới chức California yêu cầu các bệnh viện hạn chế làm xét nghiệm virus corona. Một bệnh viện ở bang Washington cảnh báo có thể hết máy thở vào đầu tháng 4.

Theo tuoitre