Một bệnh viện ở Rome, Ý, tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 ngày 19-3 - Ảnh: NYT
Những cột mốc đáng lo cứ lần lượt xuất hiện. Thứ tư 18-3, châu Âu ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do virus corona nhiều hơn Trung Quốc. Thứ năm 19-3, một mình nước Ý vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong...
Trong khi Trung Quốc - nơi khởi nguồn của dịch COVID-19, đã cơ bản kiểm soát được tình hình, các con số ở châu Âu cứ tăng lên từng ngày, hiện đã đạt khoảng 100.000 ca nhiễm và 5.000 ca tử vong. Với đà này, thời điểm tồi tệ nhất vẫn còn phía trước.
Về lý do tại sao châu Âu bị COVID-19 ảnh hưởng nặng như vậy dù họ đã có nhiều tuần chuẩn bị, báo New York Times dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng trong chừng mực nào đó, đây là cái giá dân châu Âu phải trả để sống trong một xã hội mở, nơi việc đi lại luôn tự do và dễ dàng, nơi ý kiến cá nhân luôn được tôn trọng và lắng nghe...
Nói đơn giản, các chính phủ châu Âu không quen với việc ban hành các mệnh lệnh cứng rắn (dù là để chống dịch), và người dân của họ cũng không quen bị gò bó.
Trái ngược lại, Trung Quốc hành động quyết liệt và mạnh bạo đến mức phương Tây phải choáng. Họ chấp nhận trả giá về kinh tế để ngăn dịch, cho dù đó là cách ly hàng chục triệu người, áp lệnh giới nghiêm với hàng trăm triệu người khác hay đóng cửa toàn bộ các ngành công nghiệp, sản xuất...
"Trung Quốc sẵn sàng làm những điều không tưởng, huy động quân đội, cảnh sát, nhốt người dân trong nhà, dùng máy bay không người lái giám sát, dựng rào chắn.... Những biện pháp đang thực hiện ở châu Âu chỉ mới xuất hiện mới đây, và thẳng thắn mà nói, không có biện pháp nào hà khắc và toàn diện như ở Vũ Hán", bác sĩ Arthur L. Reingold, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Trường sức khỏe cộng đồng (ĐH California), nhận xét.
Mặc dù các số liệu bệnh dịch của Trung Quốc còn lộn xộn, tình hình và xu hướng chung được cải thiện thể hiện qua đó tương đối rõ. Nước này để mất vài tuần lễ đầu quý giá khi dịch mới bùng lên, nhưng khi bắt đầu hành động thì họ tỏ ra dứt khoát hơn các nước phương Tây.
"Trung Quốc đã hành động trễ, tôi cũng quan ngại về một số biện pháp họ áp đặt, nhưng cơ bản họ đã kiểm soát được dịch. Bằng cách đó, họ trao cho thế giới một khoảng thời gian để chuẩn bị, nhưng rất tiếc lại bị lãng phí", ông Francois Balloux, nhà dịch tễ học của trường University College London, bình luận trên Twitter.
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hiện vẫn đang đóng cửa không cho khách tham quan - Ảnh: NYT
Đặc thù chính trị của Trung Quốc chỉ là một yếu tố. Tốc độ và hành động dứt khoát là rất cần thiết trong dịch COVID-19. Một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Singapore, đã kết hợp đồng loạt các biện pháp gồm xét nghiệm quy mô lớn, cách ly người bệnh và truy lùng người tiếp xúc để ngăn dịch mà không phải đóng cửa nền kinh tế.
"Họ chứng kiến dịch SARS trong các năm 2003-2004 và họ chuẩn bị cho trận dịch tiếp theo", ông Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nêu quan sát.
Nỗ lực đầu tiên của châu Âu ngăn dịch trên diện rộng có hiệu lực ngày 8-3, đó là lúc Ý ra lệnh phong toả khu vực miền bắc bao gồm Milan khi cả nước đã có hơn 7.300 ca nhiễm. Tây Ban Nha và Pháp cũng có số ca nhiễm tương tự trong tuần kế tiếp, và họ quyết định cấm tụ tập đông người trên toàn quốc.
"Anh phải áp dụng nghiêm khắc quy định tạo khoảng cách xã hội ngay trong tuần đầu tiên kể từ lúc xuất hiện lây nhiễm cộng đồng. Một khi nó đã bùng nổ, việc kiểm soát là vô cùng khó khăn. Chìa khoá là đừng để đi quá giới hạn đó, mà phần lớn châu Âu giờ đã 'toang', New York cũng thế", bác sĩ Frieden giải thích.
Theo các nhà dịch tễ học, các biện pháp xét nghiệm quy mô rộng, truy lùng tiếp xúc và tạo khoảng cách xã hội có hiệu quả nhất khi được tiến hành trước khi dịch bệnh lây lan mất kiểm soát.
Nói cách khác, phản ứng tốt nhất trước hết là phản ứng thường bị cho là "thái quá" lúc ban đầu, vì suy cho cùng không ai biết trước một dịch bệnh chớm bùng phát có thể trở nên nghiêm trọng hay không.
Cũng theo báo New York Times, cho dù các biện pháp phong toả của Ý có hiệu quả, nó sẽ không thể hiện ngay qua con số trong vài ngày tới, riêng các nước châu Âu còn lại sẽ phải đợi lâu hơn vì hành động trễ.
Vào lúc đỉnh điểm đầu tháng 2-2020, Trung Quốc công bố 3000-4000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Ý bây giờ tăng còn nhanh hơn thế, còn cả châu Âu nói chung tăng hơn 10.000 ca mỗi ngày.
Theo tuoitre