Máy xát của Yialase nằm im nhiều tuần nay dù ở ngay bang Benue, vựa lương thực của cả Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi. Nhu cầu lương thực trong nước rất cao, nhưng Yialase không có việc để làm.

"Tôi không xay xát được vì thương lái không đến", Yialase nói khi đang ngồi trong khu chợ Wurukum ở thành phố Makurdi cùng hàng chục chủ xưởng xay xát khác.


                                                              Mercy Yialase ngồi trước xưởng xay xát gạo ở Wurukum trong thành phố Makurdi, bang Benue, Nigeria, hôm 13/4. Ảnh: Reuters.

Dù lệnh phong tỏa không áp dụng với tài xế xe chở lương thực, nhiều người vẫn không dám hoạt động vì sợ lây nhiễm nCoV hoặc sợ bị cảnh sát phạt. 

Tình cảnh tương tự xảy ra ở nhiều nước vùng Cận Sahara. Công ty vận tải Kobo360 cho hay 30% đội xe ở Nigeria, Kenya, Togo, Ghana và Uganda không hoạt động. Nhiều nông dân cho biết nông sản bị thối trên đồng hoặc trong kho khi chờ người đến mua. 

"Không có quy định rõ ràng về việc xe nào có thể di chuyển trên đường, hay thế nào là xe vận chuyển nhu yếu phẩm", Ife Oyedele, người đồng sáng lập Kobo360, nói, nhấn mạnh các chủ xe đều sợ "không dám cho xe chạy cũng như để tài xế hoạt động".

Hàng triệu người trong khu vực này có nguy cơ thiếu lương thực do chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì Covid-19, theo Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới.   

Trong khi đó, hàng nhập khẩu cũng cạn kiệt vì các nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia đã giảm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tình trạng khan hiếm đẩy giá thực phẩm lên cao, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người châu Phi.

Cận Sahara, khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang đối mặt cùng lúc với hai cuộc khủng hoảng là y tế và lương thực, Ngân hàng Thế giới cảnh báo. Ở phạm vi toàn cầu, Covid-19 có thể khiến 265 triệu người trên thế giới thiếu ăn, theo Liên Hợp Quốc.  

"Không có gì cần bàn cãi nữa, mất an ninh lương thực chắc chắn xảy ra, không chỉ ở Nigeria mà còn khắp thế giới", Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria Muhammed Sabo Nanono nói.

Nanono cho hay Nigeria có ít nhất 38.000 tấn ngũ cốc trong kho dự trữ chiến lược và đang tìm cách bổ sung thêm 100.0000 tấn.

Tuy nhiên, khu vực này nằm trong số những nơi có hàng dự trữ thấp nhất so với nhu cầu, do đó, việc các nước hạn chế xuất khẩu lương thực đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu gạo "có thể xảy đến rất nhanh", theo John Hurley, nhà kinh tế học khu vực tây và trung Phi, chuyên gia của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, cho biết.

Nigeria gần đây tăng đáng kể sản lượng gạo sản xuất trong nước, nhưng số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy quốc gia này vẫn phải nhập khẩu ít nhất 1/3 lượng gạo tiêu thụ. 40% lượng gạo tiêu thụ ở những nước thuộc khu vực Cận Sahara phụ thuộc nhập khẩu, đồng nghĩa với những quốc gia này rơi vào nhóm có nguy cơ cao mất an ninh lương thực.

Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã ngừng các thỏa thuận xuất khẩu gạo mới hồi đầu tháng, trong khi nguồn cung từ các nước khác cũng bị hạn chế. Theo USDA, chỉ 9% sản lượng gạo toàn cầu được xuất khẩu kể từ khi Covid-19 bùng phát, khiến giá mặt hàng này lập tức leo thang.

Giá một bao gạo nhập khẩu tăng hơn 7,5% ở Abuja và Lagos từ tuần thứ ba của tháng 3 tới đầu tháng 4, theo SBM Intelligence, nền tảng tin tức hàng đầu Nigeria, còn gạo nội địa tăng giá 6-8%.


                                                           Một thanh niên dỡ bao tải gạo viện trợ để phân phát cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Abuja, Nigeria, hôm 17/4. Ảnh: Reuters.

Ở Kenya, người dân đổ xô tích trữ lương thực và chương trình phân phối gạo cho hộ gia đình có thu nhập thấp của chính phủ khiến nguồn dự trữ dần cạn kiệt. Nếu không tăng nhập khẩu, khu vực Đông Phi có thể thiếu ít nhất 50.000-60.000 tấn gạo vào cuối tháng 4, theo Mital, giám đốc điều hành Sunrice ở Kenya, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực.

"Toàn bộ chuỗi cung ứng bị gián đoạn", Sha nói. "Trong vài tuần tới, Đông Phi sẽ thiếu hụt lớn".

Thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu vào Kenya từ 3-4 ngày đã tăng lên 3-4 tuần. Còn ở Nigeria, thời gian này tăng từ vài tuần lên vài tháng.

Lượng gạo nhập khẩu của Senegal giảm 30% bởi chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, theo Ousmane Sy Ndiaye, giám đốc UNACOIS, tập đoàn công nghiệp thương mại của nước này. Ông ước tính lượng gạo dự trữ trên toàn quốc chỉ đủ dùng trong hai tháng.

Theo khảo sát của AFEX, công ty Nigeria hỗ trợ hậu cần và tài chính cho nông nghiệp, trữ lượng phân bón của Nigeria đang thấp hơn 20% so với mức bình thường. Khảo sát cho thấy cả nước chỉ có đủ hạt giống và vật tư nông nghiệp để canh tác một triệu ha đất, thay vì 30 triệu ha như bình thường.

Một số nông dân cho hay lệnh phong tỏa đang hạn chế ngân hàng đánh giá nông trại, khiến họ gặp rủi ro về tài chính và khó thuê máy cày, trong khi vụ lúa mùa tháng 5 sắp bắt đầu.

Chính phủ Nigeria đã thành lập một nhóm chuyên trách để giảm thiểu tác động của Covid-19 tới lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có việc cấp một loại giấy tờ đặc biệt để những lao động trong ngành này có thể di chuyển tự do hơn. Bộ Nông nghiệp Nigeria cũng đang tìm cách tăng lượng phân bón sản xuất trong nước, còn ngân hàng trung ương sẽ giãn nợ cho nông dân.

Nhưng với chủ vựa xay xát Yialase ở Benue, những biện pháp hỗ trợ này có thể không đến kịp lúc, trong khi bà đang chờ thương lái đến thu mua gạo. "Khi họ đến, tôi có thể xay xát mọi thứ ở đây, và họ sẽ mua", bà nói.

a3.jpg

 

Theo vnexpress