"Tài liệu đầy đủ về tình trạng thanh toán virus bại liệt tại Nam Sudan đã được chấp nhận", WHO tại Nam Sudan thông báo trên Twitter hôm 18/6. "Với thành tựu này, văn phòng WHO khu vực châu Phi dự định tuyên bố châu lục này xóa sổ hoàn toàn virus bại liệt trong năm 2020. Đã đến lúc ăn mừng và hành động để duy trì thành tích này".
Nigeria cũng vừa công bố về "dấu mốc quan trọng và thông tin tuyệt vời" sau khi được chính thức công nhận "lần đầu tiên trong lịch sử tiêu diệt hoàn toàn virus bại liệt", theo bài đăng tweeter của phát ngôn viên Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari.
Ủy ban Chứng nhận châu Phi (ARCC) về thanh toán bệnh bại liệt đã chấp nhận tài liệu về nỗ lực thanh toán bại liệt của các quốc gia. Thông báo chính thức sẽ được đưa ra vào tháng 7 tại cuộc họp của các Bộ trưởng Bộ Y tế theo kế hoạch, Nigeria tuyên bố.
"Việc ARCC chấp nhận tài liệu về việc thanh toán bại liệt là một thời khắc tuyệt vời trong lịch sử", tiến sĩ Faisal Shuaib, giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển và Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu Quốc gia (NPHCDA), một trong những tổ chức đi đầu trong nỗ lực thanh toán bại liệt cho biết. "Đội ngũ tại Nigeria do NPHCDA và các đối tác dẫn đầu đã đưa ra bằng chứng chứng minh không còn dấu vết bại liệt của chúng tôi".
Shuaib cũng cho biết thành công trong việc đánh bại virus bại liệt tại Châu Phi là thành quả nỗ lực của các tổ chức trong nhiều thập kỷ.
Virus bại liệt có khả năng lây nhiễm cao chủ yếu tấn công trẻ em dưới 5 tuổi, xâm nhập hệ thần kinh và có thể gây "tê liệt hoàn toàn chỉ trong vài giờ", theo WHO. 5-10% bệnh nhân bị tê liệt tử vong khi các cơ hô hấp bị tê liệt.
Tính đến tháng 3, ARCC đã tiến hành các chuyến thăm thực địa tại 47 quốc gia trong Khu vực Châu Phi của WHO để "xác minh virus bại liệt hoang dại đã được tiêu diệt hoàn toàn, đồng thời đảm bảo việc giám sát dịch bệnh vẫn đang diễn ra theo tiêu chuẩn chứng nhận", văn phòng WHO tại Châu Phi tuyên bố hồi tháng 3.
Sau khi được tuyên bố thanh toán hoàn toàn virus bại liệt, các quốc gia cần chứng minh thường niên tình trạng này.
Trước đó, WHO đã chấp nhận tài liệu của 43 quốc gia Châu phi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Nam Sudan là bốn quốc gia cuối cùng được trong danh sách.
Châu Phi phát hiện ca mắc virus bại liệt hoang dại lần cuối năm 2016, "trái ngược hoàn toàn vào năm 1996, khi virus bại liệt hoang dại làm tê liệt hơn 75.000 trẻ em trên tất cả các nước Châu Phi", theo văn phòng WHO tại Châu Phi. Để chứng minh đã thanh toán hoàn toàn virus bại liệt, một khu vực phải đưa ra bằng chứng không có ca nhiễm mới nào được báo cáo trong ba năm liên tiếp, kết quả dựa trên việc giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt".
"Thêm vào đó, các quốc gia phải duy trì tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đối với vaccine bại liệt (OPV), có sự chuẩn bị sẵn sàng trên phạm vi toàn quốc khi dịch bệnh bùng phát, lên kế hoạch phòng chống và một Ủy ban Quốc gia Chúng nhận Bại liệt", báo cáo viết.
Theo vnexpress