Có tới 2 triệu trẻ em mắc căn bệnh thiếu máu Thalassemia ở Ấn Độ - Ảnh: Rediff Archives
Nhớ lại cái ngày tuyệt vọng khi phải ôm chặt đứa con trai đang lã dần đi trong tay mình, cô Gudiya Devi đến từ một ngôi làng nghèo ở phía Bắc Ấn Độ vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót.
Cậu con trai 5 tuổi của cô mắc một căn bệnh di truyền lâu nay, nhưng gần đây tình trạng ngày càng tồi tệ, và cuối cùng cậu cũng bỏ vợ chồng cô mà đi sau nhiều ngày không ăn uống gì được.
“Chồng tôi là lao động chính trong nhà, và phải cáng đáng chi phí điều trị hàng ngày cho con trai với mức ít nhất là 300 Rupee/ngày (khoảng 100 ngàn đồng)”, cô Devi kể lại.
“Rồi đại dịch ập đến khiến anh ấy thất nghiệp. Ngay cả gạo ăn trong nhà cũng cạn thì chúng tôi lấy đâu ra tiền mà mua thuốc cho con?”.
Cậu bé xấu số Vivek chỉ là 1 trong 2 triệu trẻ em mắc căn bệnh thiếu máu Thalassemia, vốn rất phổ biến ở Ấn Độ.
Với căn bệnh di truyền này, nếu không được truyền máu và điều trị liên tục thì bệnh nhân khó có thể duy trì sự sống lâu dài bởi suy tim và nhiễm trùng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân mắc bệnh này.
Chính phủ Ấn Độ không có chế độ hỗ trợ tài chính cho việc truyền máu, trong khi bệnh nhân sẽ phải trả đến 4.000 Rupee (trên 1 triệu đồng) cho một lần truyền ở các cơ sở y tế tư nhân. Đây chính là rào cản quá lớn cho người dân ở một đất nước có 270 triệu người vẫn đang phải sống dưới mức nghèo đói.
Với tình hình khó khăn như vậy, cậu bé Vivek, cũng như hàng ngàn đứa trẻ không may mắc chứng bệnh di truyền hiểm nghèo này, đành phải dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của Hội chữ thập đỏ địa phương và các tổ chức phi chính phủ nhân đạo khác để có thể được truyền máu định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Hệ thống y tế vốn đã quá tải, giờ phải tập trung cho phòng chống dịch khiến nhiều bệnh nhân có các căn bệnh khác bị bỏ rơi - Ảnh: Danish Siddiqui/Reuters
Thế nhưng, sự tấn công ồ ạt và kéo dài của đại dịch COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua đã khiến hầu hết các trung tâm hiến máu nhân đạo ở Ấn Độ phải ngưng hoạt động. Nguyên do là những người hiến máu không dám đến các cơ sở y tế do lo ngại nguy cơ lây nhiễm coronavirus.
Suốt những ngày trước đó, cô Devi đã liên tục gọi điện thoại đến các bệnh viện trong vùng với hy vọng mong manh sẽ đăng ký được một đơn vị máu để duy trì sự sống cho con mình. Vẫn không yên tâm, cô mượn một ít tiền của những người hàng xóm rồi thuê xe chạy cả đoạn đường 30km đến một ngân hàng máu địa phương để cầu xin sự giúp đỡ.
“Người ta trả lời với tôi rằng, nguồn máu dự trữ đã cạn kiệt. Và họ chỉ có thể giúp nếu tôi mang đến một người sẵn sàng hiến máu”.
Vào một ngày cuối tháng Chín, cô quay trở lại địa điểm truyền máu, lần này cùng với cậu bé Vivek đang trong tình trạng nguy kịch.
“Nhưng mọi thứ đã quá muộn”, cô Devi nói. “Con trai tôi đã chết trên tay tôi ngay khi vừa đến cổng của trung tâm truyền máu”.
Cậu bé Vivek 5 tuổi đã chết trên tay mẹ ngay khi vừa đến trung tâm truyền máu địa phương - Ảnh: Mohammad Sartaj Alam/Telegraph
Ấn Độ đã vượt mốc 6 triệu ca lây nhiễm, và là một trong những quốc gia có số ca mắc coronavirus cao nhất thế giới.
Hiện thực đang diễn ra khiến Ấn Độ buộc phải dồn toàn lực vào công tác chống dịch, bao gồm cả việc huy động toàn bộ hệ thống y tế công cộng và cắt hầu hết ngân sách dành cho các hạng mục chăm sóc sức khỏe khác, kể cả với bệnh Thalassaemia mà em bé Vivek đang mắc, để đổ vào việc chống dịch COVID-19.
Điều này khiến các nhà hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng lo lắng bởi con số tử vong do mắc bệnh thiếu máu Thalassemia sẽ tăng cao nếu chính phủ Ấn Độ không có hành động trợ giúp nào.
Hệ thống các trung tâm huyết học và truyền máu đang phải đóng cửa vì không còn nguồn máu dự trữ, trong khi các bệnh viện công thì từ chối tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu Thalassemia để dành chỗ cho người nhiễm coronavirus.
Cạn kiệt nguồn máu dự trữ trong mùa COVID khiến một số bang thuộc Ấn Độ đã phải huy động nguồn máu từ lực lượng cảnh sát - Ảnh: PTI
Bệnh nhân ung thư cũng đang gặp tình cảnh tương tự. Tỷ lệ các ca bệnh nhận được lịch hẹn đã sụt giảm tới 80% kể từ tháng Hai, cùng với hơn 51.000 ca phẫu thuật đã lên lịch bị hủy bỏ. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là số ca tử vong do không được chữa trị kịp thời sẽ tăng cao.
Ngoài ra, có tới hơn một triệu người không được tiêm vắc-xin phòng bệnh lao trong suốt mùa dịch vừa qua trong khi Ấn Độ lại là nước có số ca mắc bệnh lao cao nhất thế giới.
“Nếu không có chiến lược cả cho ngắn hạn lẫn dài hạn thì Ấn Độ sẽ có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian sắp tới”, một quan chức y tế cho biết.
Theo phunuonline