Một xe cứu thương (trái) đang xin đường giữa giờ cao điểm dọc đường cao tốc EDSA ở Manila hôm 5/8. Ảnh: AFP.

"Dù bấm còi liên tục, thậm chí sử dụng còi báo động, các phương tiện không di chuyển thì chúng tôi cũng chịu", Adriel Aragon, một lái xe cứu thương, nhớ lại ca chở một bệnh nhân nguy kịch năm 2014.

Anh mất tới 40 phút di chuyển, dù bình thường chỉ mất 20 phút. 5 phút trước khi tới viện, bệnh nhân nữ mất mạch đập. Cô chết khi vừa được đẩy vào phòng cấp cứu.

Làn đường dành cho các phương tiện khẩn cấp không được chấp hành, cơ sở hạ tầng lỗi thời, người lái xe không sẵn lòng hoặc không thể nhường đường, là những nguyên nhân khiến người bệnh chết trên đường đi cấp cứu ở Manila, thủ đô Philippines.

"Tôi cảm thấy trống rỗng, như thể không có nổi cơ hội làm mọi việc trong khả năng của mình để giúp đỡ", tài xế lái xe cứu thương kiêm nhân viên y tế Joseph Laylo nói.

"Nếu giao thông tốt hơn, chúng tôi đã cứu được bệnh nhân", anh nói thêm, nhớ lại đã để mất một người bệnh khi tắc đường và tốn gấp ba thời gian để tới viện.

Dù nắm bắt địa hình tốt, kỹ thuật lái xe tốt, hú còi inh ỏi thậm chí va chạm với những xe không chịu nhường đường, không phải lúc nào lái xe cứu thương cũng tới bệnh viện kịp thời.

Vào giờ cao điểm, những tuyến đường huyết mạch ở Manila tắc dài, có thể mất tới ba tiếng để di chuyển qua quãng đường dài 25 km. Thành phố có 13 triệu dân và gần như mỗi người đều có một ôtô riêng. Theo nghiên cứu năm 2017 do chính phủ Nhật Bản tài trợ, thành phố tổn thất 67 triệu USD mỗi ngày vì tắc đường.

Chính quyền và các công ty vận tải cứu thương không đếm được có bao nhiêu ca bệnh nhân tử vong mỗi năm vì tắc đường, nhưng nhân viên cấp cứu trong thành phố đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng.

Laylo cho hay một bệnh nhân chết trên xe của anh vì mất thêm 10 phút để di chuyển từ nhà tới viện.

"Quãng đường có 5,7 km. Thường chỉ mất chưa tới 5 phút lái xe nhưng hôm đó chúng tôi đi mất 15 phút", anh nói, cho hay vẫn buồn vì sự cố năm 2017. "Khi đang trong tình huống cấp cứu, chừng ấy thời gian là quá lâu".

Hình ảnh những chiếc xe cứu thương không thể di chuyển vì tắc đường đã gây ra sự phẫn nộ trên mạng xã hội Philippines. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất thu hút tới 3,2 triệu lượt xem, do một phụ nữ quay lại. Cô sốc vì các phương tiện trên đường không thể, hoặc không muốn nhường đường cho xe cứu thương đang chở mẹ mình.

"Tôi vô cùng tức giận. Tôi cũng lo lắng vì chúng tôi không thể làm gì những chiếc xe đang chặn làn đường của chúng tôi", Jing Zamora nói.

Chuyến đi mất vài giờ, khi đáng lẽ chỉ mất vài phút. Mẹ của Zamora bị đột quỵ, sống khi tới viện nhưng qua đời một tuần sau. Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, cấp cứu nhanh là chìa khóa để phục hồi sau cơn đột quỵ.

Những quan chức như Aldo Mayor, giám đốc cơ quan an toàn công cộng của Ban Phát triển Đô thị Manila (MMDA), đổ lỗi cho người tham gia giao thông.

"Một số người đơn giản không thèm quan tâm, như thể họ là người duy nhất sống trên đời", Mayor nói.

Ông cho hay chính quyền đã ban hành quy định về phương tiện khẩn cấp, bao gồm quy định dành riêng một làn đường cho những phương tiện này năm 2017, nhưng hiếm khi được thực thi do hạn chế nhân sự.

Những vấn đề này phát sinh khi dân số Manila tăng gấp đôi từ năm 1985, còn cơ sở hạ tầng không theo kịp. Hệ thống đường sắt hạn chế được tăng cường bằng hàng triệu xe hơi và xe buýt mini.

Nạn quan liêu và tham nhũng đã ngăn cản hoặc ngăn chặn những nỗ lực mở đường mới, xây cầu và phát triển giao thông công cộng. Tổng thống Rodrigo Duterte cam kết sẽ xóa bỏ tình trạng tắc đường nghẹt thở tại thủ đô, nhưng qua nửa nhiệm kỳ, các tuyến đường chính ở thủ đô vẫn giống bãi đỗ xe vào giờ cao điểm.

Tài xế Joseph Laylo lái xe dọc cao tốc South Luzon gần Manila hôm 18/7. Ảnh: AFP.

Vernon Sarne, một nhà báo lâu năm về mảng giao thông, cho rằng số lượng ôtô trên đường là yếu tố chính trong việc xe cứu thương có đưa bệnh nhân tới bệnh viện kịp thời hay không.

"Dù muốn nhường đường, nhưng đường không còn chỗ, chúng ta có thể làm gì? Xe cứu thương không biết bay", ông nói.

Tuy nhiên, ông không loại trừ xe cứu thương lợi dụng còi và đèn báo hiệu để đi nhanh hơn dù không phải trong trường hợp khẩn cấp.

"Với tư cách là người lái xe bình thường, chúng tôi cảm thấy khó chịu khi biết người ta lợi dụng mình", Sarne nhắc tới một số chính trị gia sử dụng phương tiện hộ tống khẩn cấp để tránh tắc đường.

Tuy nhiên, các công ty cung cấp xe cứu thương ở Manila hy vọng những video như của Zamora sẽ hữu ích.

"Nhờ có truyền thông xã hội, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người nhường đường cho xe cứu thương", Michael Deakin, người đứng đầu một trong những công ty cung cấp dịch vụ xe cứu thương lớn nhất Philippines cho hay.

Theo vnexpress