leftcenterrightdel
 Nhiều người nghỉ hưu tại Mỹ phải trở lại làm việc để trang trải chi phí sinh hoạt tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, năm 2020, ông Joe DiPastena cảm thấy có thể nghỉ hưu sớm hơn dự định. Nhưng suy nghĩ này đã thay đổi sau đó 2 năm.

"Khi nền kinh tế đi xuống, các khoản đầu tư vơi dần, tôi đã bắt đầu lo lắng", ông DiPastena chia sẻ. "Tôi không muốn tiền tiết kiệm của mình cạn kiệt", ông nói thêm.

Ông DiPastena, 64 tuổi, là một nhà thiết kế đồ họa tự do. Khi khách hàng ít đi vì các lệnh phong tỏa chống dịch, ông vẫn thấy sẵn sàng cho việc nghỉ hưu vì tình hình tài chính tốt.

Khoản đầu tư đi xuống, giá cả đi lên

 Nhưng đến năm 2022, sự tự tin của ông đã suy giảm. Sau khi tăng vọt 27% trong năm 2021, vào nửa đầu năm 2022, chỉ số S&P 500 đã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hơn 50 năm. Ông DiPastena buộc phải trở lại làm việc.

"Những khoản đầu tư của tôi cứ thế đi xuống. Và điều tốt nhất tôi có thể làm là kiếm một công việc", ông chia sẻ.

Những khoản đầu tư của tôi cứ thế đi xuống. Và điều tốt nhất tôi có thể làm là kiếm một công việc

Ông Joe DiPastena, từng là nhà thiết kế đồ họa tự do

Vào tháng 6, ông nhận được một công việc mới khác hoàn toàn so với công việc trước đây. "Tôi cảm thấy đã làm đầy lại khoản tiền tiết kiệm của mình", ông DiPastena chia sẻ.

Đại dịch khiến nhiều người mất việc làm. Nhưng không ít người lao động chủ động nghỉ hưu. Giá nhà và cổ phiếu tăng phi mã khiến họ lạc quan về tình hình tài chính của mình.

"Thời điểm đó, lạm phát vẫn ở mức thấp, trong khi thị trường tiếp tục đi lên trong suốt năm 2021. Nếu sở hữu một ngôi nhà, tài sản của các vị sẽ tăng vọt. Vì thế, mọi người có thể dễ dàng đưa ra quyết định nghỉ hưu", bà Sarah House - nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo - bình luận.

Nhưng giờ, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Thị trường chứng khoán trải qua đợt bán tháo ồ ạt. Lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 40 năm, suy thoái rình rập nền kinh tế.

"Bước sang năm nay, chúng ta đã chứng kiến một thị trường suy yếu. Cả trái phiếu và cổ phiếu đều lao dốc. Bức tranh bị đảo ngược rất nhanh", bà House bình luận.

Giá trị của các khoản đầu tư lao dốc không phải vấn đề duy nhất. Khi quyết định nghỉ hưu, nhiều người không nghĩ đến những rủi ro khác như lạm phát.

Không nhiều người Mỹ lường được rằng giá tiêu dùng sẽ tăng 9,1% chỉ sau một năm. Điều này tạo sức ép lớn cho những người sống bằng thu nhập cố định.

Theo ông Kyle Newell - chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại bang Florida, lạm phát thực tế cao hơn nhiều so với mức trung bình được sử dụng trong các mô hình hoạch định tài chính.

"Thông thường, khi lên kế hoạch đối với chi phí sinh hoạt, chúng tôi thường giả định lạm phát 2-3,5%", ông chia sẻ.

Tiền tiết kiệm vơi dần

 Bà Connie Weyant, sống tại bang Virginia, đã quyết định nghỉ hưu vào năm 2019 sau gần 40 năm làm việc cho chính quyền địa phương. Nhưng giờ, giá cả tăng cao đã tác động lớn tới khoản tiền tiết kiệm của bà.

"Tôi đã có một sự nghiệp tuyệt vời và muốn dừng lại ngay vào thời kỳ đỉnh cao", bà Weyant, 59 tuổi, chia sẻ. "Tôi yêu công việc của mình. Tôi cũng dành dụm được tiền và có thể mua một căn nhà để sống khi về già", bà nói thêm.

Khi quyết định nghỉ hưu, bà Weyant có một khoản tiền tiết kiệm, một danh mục đầu tư và đã xin ý kiến của chuyên gia lập kế hoạch tài chính. "Khi đó, tôi cảm thấy rất tốt", bà chia sẻ.

Nhưng bà không lường trước được rằng mọi thứ trở nên đắt đỏ như hiện nay.

"Giống với mọi người, chi phí sinh hoạt của tôi đã tăng lên theo cấp số nhân ngay cả khi cuộc sống của tôi chỉ ở mức tiêu chuẩn như trước đó", bà chia sẻ.

Khi phải sửa sang lại phòng tắm, bà Weyant đối mặt với chi phí tăng cao hơn nhiều do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và giá vật liệu xây dựng tăng cao.

"Tôi choáng váng với mức giá phải trả", bà than vãn. Đầu năm nay, bà Weyant phải tìm một công việc mới để trang trải chi phí tăng cao.

leftcenterrightdel
Lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức 9,1% trong tháng 6. Ảnh: Reuters. 

Theo bà Weyant, công việc mới rất cần thiết với bà vào lúc này. Bởi các khoản đầu tư vẫn đang đi xuống, trong khi mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn.

Còn ông Bill Donaldson đã làm cả đời cho một công ty lớn ở thành phố Phoenix (bang Arizona). Vài năm trước đại dịch, ông nghĩ đến việc nghỉ hưu khi thấy công việc không còn hấp dẫn và tài chính cũng đã vững vàng.

Vài tháng sau khi đại dịch xuất hiện, ông nộp đơn xin nghỉ việc. "Đầu năm nay, khi thị trường chứng khoán bắt đầu suy yếu và giá cả tăng lên, tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ có vẻ khó khăn hơn tôi tưởng", ông Donaldson chia sẻ.

Do đó, khi được đề xuất làm việc toàn thời gian cho một công ty hàng không vũ trụ, ông đã quyết định quay trở lại làm việc.

"Điều đó sẽ giúp tôi bớt lo lắng khi nhìn tiền tiết kiệm cứ thế vơi dần", ông chia sẻ.

Theo zingnews