Hôm nay, số người chết ở Tây Ban Nha đã vượt quá 18.000 - đứng thứ hai châu Âu, sau Italy. Tuy nhiên số ca nhiễm mới chỉ 3.045 - mức tăng thấp nhất kể từ 17/3. Công nhân tại các nhà máy, công trường bắt đầu được làm việc trở lại nhưng hầu hết cửa hàng và ngành dịch vụ vẫn đóng cửa. Nhân viên văn phòng vẫn làm việc ở nhà nếu có thể. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết ông sẽ tiến hành một cách thận trọng và khoa học.

 Italy, số người chết đã lên tới gần 20.500. Các hiệu sách, tiệm giặt là, nhân viên bán hàng và cửa hàng quần áo trẻ em được mở cửa trở lại trên cơ sở thử nghiệm ở một số khu vực. Động thái này được đưa ra sau khi số ca bệnh nặng giảm 10 ngày liên tiếp.

Khách hàng được đo nhiệt độ tại cửa vào một siêu thị ở Torino, Italy. Ảnh: Reuters.

Khách hàng được đo nhiệt độ tại cửa vào một siêu thị ở Torino, Italy. Ảnh:Reuters.

 

Công nhân ngành lâm nghiệp cũng được phép trở lại. Các nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị công nghệ thông tin sẽ hoạt động khi quốc gia này tiến tới giai đoạn hai của khủng hoảng - bắt đầu sau khi lệnh phong tỏa hiện tại kết thúc vào 4/5.

Áo, nơi ghi nhận 384 trường hợp tử vong và 14.000 trường hợp nhiễm bệnh, cũng bắt đầu nới lỏng hạn chế, cho phép công viên, cửa hàng nhỏ, cửa hàng bán đồ làm vườn mở cửa. Nếu dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tất cả cửa hàng sẽ hoạt động trở lại vào 2/5 còn các nhà hàng vào giữa tháng 5.

Khi đó, khách hàng vẫn phải đeo khẩu trang và tuân thủ quy tắc giãn cách nghiêm ngặt, tức chỉ có một người trên mỗi 20 mét vuông. Thủ tướng Sebastian Kurz cho biết đất nước ông đã đi đúng hướng và cảm ơn sự kỷ luật của người dân. "Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện những bước đầu tiên tới tình trạng mới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn còn lâu nữa mới kết thúc", Thủ tướng nói. 

Đan Mạch, một trong những nước EU đầu tiên thực hiện đóng cửa, sẽ mở các trung tâm giữ trẻ và trường tiểu học từ 15/4 để phụ huynh có thể trở lại làm việc. Nhưng các nhà hàng, quán cà phê vẫn phải đóng cửa. Việc tụ tập hơn 10 người bị cấm ít nhất đến ngày 10/5 và các cuộc tụ tập lớn hơn có thể phải đợi đến tháng 8.

Hôm nay, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Harris nói: "Trong khi số ca nhiễm mới đang giảm bớt tại một vài khu vực châu Âu, thì dịch bệnh vẫn tiếp tục tăng ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. 90% số ca nhiễm trên thế giới đến từ châu Âu và Mỹ. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn dịch vẫn chưa chạm đỉnh". 

Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước EU xây dựng chiến lược mở cửa đồng nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên để tránh những tác động tiêu cực lan rộng. Họ nói nếu không làm như vậy có thể dẫn đến những đợt dịch mới.

Ở Đức, số ca nhiễm mới đã giảm ngày thứ tư liên tiếp, trong khi số người chết ở nước này là 2.969 - thấp hơn nhiều quốc gia khác. Nhưng giới chức cho biết vẫn còn quá sớm để dỡ lệnh hạn chế. Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch nói: "Chúng tôi chưa thể nói về việc ngăn chặn bởi sự lây nhiễm đã chậm lại nhưng số ca mới mỗi ngày vẫn cao. Ông kêu gọi người Đức kiên nhẫn chờ đợi và duy trì kỷ luật với biện pháp cách ly xã hội.

Pháp đã ghi nhận gần 15.000 ca tử vong do Covid-19. Hôm 13/4, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố họ sẽ kéo dài phong tỏa đến 11/5. Sau đó, các trường tiểu học và trung học có thể lần lượt mở lại. Nhưng trường đại học sẽ vẫn phải nghỉ và duy trì việc học online. Quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, lễ hội và các cuộc tụ tập đông người vẫn bị cấm cho đến ít nhất là giữa tháng 7. Chính phủ đang vạch ra chi tiết kế hoạch thoát phong tỏa, dự kiến công bố trong hai tuần nữa.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, đến nay nCoV đã lây nhiễm cho 1.930.780 người trên thế giới và giết chết 120.450 người. Gần một nửa dân số thế giới đang bị phong tỏa.

Theo ione.net