Ông Hugo - 78 tuổi, đến từ Sri Lanka, hiện sống tại làng Croydon, phía nam London - là một trong số những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 12/2020. Ông thuộc nhóm ưu tiên nhất được tiêm chủng bởi tuổi cao và có bệnh nền.
Ban đầu, ông tỏ ra e ngại trước những thông tin về việc tiêm vaccine Covid-19.
“Tôi khá do dự khi đi tiêm. Tuy nhiên, sau khi được nghe lời khuyên của một vài người bạn là bác sĩ, tôi đã tự tin hơn hẳn. Tôi tưởng tượng rằng vaccine sẽ đem lại sự thoải mái và an toàn. Đặc biệt tôi cực kỳ hài lòng khi biết rằng mình sẽ không phải là một trong những nguồn lây bệnh sau khi tiêm vaccine”, ông Hugo chia sẻ.
Đó chỉ là một trong những trải nghiệm tiêm phòng vaccine Covid-19 được đăng tải trên website của Hội chữ Thập đỏ của Anh. Chiến dịch tiêm phòng thành công tại đất nước sương mù trở thành một hình mẫu đáng chú ý.
Tốc độ chiêm chủng ở Anh rất nhanh chóng, thuận lợi, đặc biệt trong bối cảnh nước này đặt mục tiêu cung cấp vaccine Covid-19 cho càng nhiều người trưởng thành càng tốt trước mùa hè.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Ảnh: DW.
Tốc độ triển khai thần tốc
Vương quốc Anh bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử từ ngày 8/12/2020. Chỉ sau gần nửa năm, gần 37 triệu người đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và hơn 19 triệu người đã tiêm liều thứ hai, theo số liệu từ BBC.
Giới chức nước này dự tính tiêm cho những người trưởng thành còn lại - khoảng 21 triệu người - vào cuối tháng 7.
Số liều vaccine đầu tiên được tiêm mỗi ngày hiện dừng ở con số 175.000, giảm so với mức trung bình khoảng 500.000 mũi vào giữa tháng 3 - khoảng thời gian bắt đầu bước vào giai đoạn tiêm chủng mũi vaccine thứ hai. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 350.000 người được tiêm vaccine liều thứ hai.
Theo số liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), tính đến ngày 25/4, nhờ kết quả tích cực của việc tiêm chủng rộng rãi, 11.700 người trên 60 tuổi đã được cứu sống khỏi virus corona.
Ngày 14/5 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm chủng mũi vaccine thứ hai cho đối tượng trên 50 tuổi nhằm đối phó với sự xuất hiện biến thể Covid-19 mới đến từ Ấn Độ.
Người phụ nữ đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Anh. Ảnh: Vatican News.
Việc triển khai tiêm chủng mở rộng cho nhóm người dưới 50 tuổi cũng bắt đầu được kích hoạt, sau khi Vương quốc Anh đã đạt mục tiêu tiêm liều đầu tiên cho tất cả nhóm người ưu tiên hàng đầu - gồm nhóm trên 50 tuổi, nhóm nguy cơ cao trước ngày 15/4. Công dân từ 36 tuổi trở lên ở Anh, trên 30 tuổi ở Bắc Ireland, 40 tuổi trở lên ở Scotland và trên 40 tuổi ở xứ Wales đều được đặt lịch hẹn.
Hiện tại, Vương quốc Anh đã đặt thêm 500 triệu liều của bảy loại vaccine hứa hẹn nhất, bao gồm ba loại vaccine đã được chấp thuận - Pfizer-BioNTech, Oxford-AstraZeneca và Moderna.
Một thỏa thuận thứ 8 với 50 triệu liều của hãng CureVac dự kiến giao vào mùa thu cũng đang được tiến hành.
Lý giải công thức thành công
Theo Vox, một trong những chiến thuật giúp Vương quốc Anh đạt thành công trong mở rộng chiến dịch tiêm chủng chính là cách tiếp cận đối với quy định và phản ứng trước những thông tin sai sự thật về vaccine Covid-19.
Cách tiếp cận mới lạ của Anh có thể giúp tăng lòng tin của công chúng đối với việc tiêm vaccine Covid-19.
David Comerford, nhà kinh tế học tại Trung tâm Khoa học Hành vi, Đại học Stirling, Anh, cho biết: “Ở Anh, truyền thông y tế khá xuất sắc, đặc biệt trong cách phản ứng về các biến chứng hiếm gặp liên quan đến việc tiêm vaccine”.
Khi có thông tin vaccine Johnson & Johnson và Oxford-AstraZeneca có thể gây ra triệu chứng đông máu bất thường, Mỹ và EU đã ngay lập tức tạm dừng tiêm chủng loại vaccine này. Động thái này vô tình khiến cho người dân mất niềm tin vào việc đi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Ngược lại, Anh không đi theo phương án ấy. Thay vào đó, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) khuyến cáo những người dưới 30 tuổi hoặc có bệnh liên quan đến đông máu nên tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer/BioNTech, đồng thời tư vấn cho người dân về những triệu chứng cần theo dõi.
Truyền thông đầy đủ thông tin về vaccine là chìa khóa giúp Anh trở thành một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất
thế giới. Ảnh: Getty Image.
Một yếu tố khác dẫn đến sự thành công này đó là tiến độ tiêm chủng nhanh chóng. Việc triển khai các điểm tiêm vaccine ở bất kỳ nơi nào thuận tiện tại Anh hoàn toàn do NHS tổ chức. Mọi lịch tiêm vaccine đều được thực hiện thông qua trang web duy nhất của NHS giúp người có nhu cầu không nghi ngờ trước nhiều trang thông tin.
Ngoài ra, chính quyền Anh cũng nhanh chóng xác định những người đủ điều kiện được tiêm thông qua hồ sơ chăm sóc sức khỏe của tất cả người dân trên hệ thống NHS.
NHS sẽ liên hệ với những người đủ điều kiện tiêm - qua điện thoại, email hoặc tin nhắn - nhờ đó mà mọi người không bị hoang mang khi không biết mình có thuộc diện được tiêm chủng trước hay không.
Viện dưỡng lão là nơi đầu tiên có vaccine Covid-19 ở Anh. Ảnh: Financial Times.
Không chỉ vậy, ở nhiều quốc gia khác, mọi người có tâm lý chần chừ, chờ đợi xem liệu tiêm vaccine có tốt hay không. Ở Anh, tỷ lệ này rất thấp. Theo một cuộc thăm dò của CNN, tỷ lệ số người do dự khi tiêm vaccine chỉ ở khoảng 6%, so với con số 26% ở Mỹ.
Tỷ lệ này có được là nhờ việc triển khai tiêm vaccine cho càng nhiều người ở càng nhiều lứa tuổi càng tốt. Theo Guardian, khi càng nhiều người tiêm vaccine thì việc tiêm vaccine trở thành một câu chuyện bình thường. Mọi người sẽ không còn ngần ngại khi biết người quen xung quanh mình đã tiêm vaccine và không có chuyện gì xảy ra.
Thẻ nhắc nhở lịch tiêm phòng. Ảnh: Getty Image.
Bên cạnh đó, Anh cũng sẵn sàng lùi thời điểm bắt đầu tiêm mũi thứ hai để dành toàn bộ sức lực cho việc triển khai tiêm phòng mũi thứ nhất cho nhóm người dễ bị tổn thương.
Kết quả là, quốc gia này đã chứng kiến tỷ lệ nhập viện và tử vong vì Covid-19 giảm đáng kể.
Theo BBC, bắt đầu từ ngày 17/5, Anh gỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa và cho phép người dân đi du lịch nước ngoài sau nhiều tháng. Người dân nếu muốn đi ra nước ngoài cần phải cài đặt ứng dụng NHS App nhằm chứng minh họ đã được tiêm chủng.
Theo Zing