Theo New York Times, sáu ngày một tuần, những người bán thịt ở Tomohon tập trung tại khu chợ nổi tiếng nhất Indonesia và cắt thịt dơi, chuột, rắn và thằn lằn, được săn bắt từ đảo Sulawesi. Một số người trong số đó giết mổ chó, thường là thú cưng bị trộm, gây ra sự phản đối từ các nhà hoạt động vì quyền động vật.

Trong nhiều năm, những người yêu động vật và các nhà bảo vệ động vật hoang dã đã kêu gọi đóng cửa khu chợ này. Khi Covid-19 bùng phát, họ có thêm lý do để tạo áp lực, buộc cơ quan chức năng phải hành động.

"Ngôi chợ này giống như nơi cung cấp mầm bệnh từ động vật", ông Wiki Adisasmito, người thúc giục Chính phủ Indonesia đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã, chia sẻ. Ông cho rằng, tiêu thụ động vật hoang dã tương tự việc đang "chơi với lửa".

 

Thịt dơi được bày bán tại chợ Tomohon năm 2017. Ảnh: AFP.

 

Buôn bán tấp nập giữa dịch bệnh

Ổ Covid-19 được phát hiện đầu tiên trên thế giới, được cho liên quan đến một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc. Các động vật sống trong khu chợ được nhốt gần nhau. Virus SARS từng khiến 800 người tử vong trên thế giới, được cho có nguồn gốc từ dơi trước khi lây lan sang cầy hương ở một khu chợ động vật tại Trung Quốc và cuối cùng lây nhiễm sang người vào năm 2002. Trung Quốc hiện đã ra lệnh đóng cửa tất cả các khu chợ mua bán động vật hoang dã sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12.

Hầu hết động vật hoang dã tại chợ Tomohon bị giết thịt trước khi được đưa đến chợ. Chỉ những con chó sống bị nhốt trong lồng sẽ được giết tại chỗ cho những khách hàng nói rằng họ thích thịt tươi.

"Khu chợ này như một quả bom hẹn giờ", Billy Gustafianto Lolowang, người quản lý Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Tasikoki ở thị trấn Bitung gần đó, khẳng định. Ông cho rằng khu chợ này "đang đợi đến lúc trở thành tâm điểm của một đại dịch như Vũ Hán".

 

Tiểu thương chợ Tomohon xẻ thịt một con rắn hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

 

Người dân địa phương tin rằng một số động vật có dược tính. Nhiều người tin rằng thịt dơi có thể chữa hen suyễn. Ở Bắc Sulawesi, thịt rừng được tiêu thụ trong nhiều bữa ăn địa phương. Thậm chí, thịt rắn và dơi thường được bán trong siêu thị.

"Trước khi xảy ra đại dịch, thịt dơi phổ biến nhất, tiếp theo là chuột và trăn", ông Roy Nangka, 40 tuổi, làm nghề bán thịt ở Tomohon từ năm 1999 cho hay. Ông tiết lộ, hiện nay, người ta chủ yếu mua thịt lợn và lợn rừng.

Indonesia - đất nước có dân số lớn thứ tư thế giới - đã chậm chạp trong việc thừa nhận sự nguy hiểm của virus và xét nghiệm rất ít so với các quốc gia khác. Tính đến 14/5, Indonesia ghi nhận 15.438 trường hợp nhiễm bệnh. Số ca tử vong ở Indonesia cao thứ hai ở Đông Á (chỉ xếp sau Trung Quốc) với 1.028 ca tử vong.

Rất khó để đóng cửa hoàn toàn những khu chợ truyền thống

Mới đây, một liên minh các nhóm bảo vệ động vật có tên Dog Meat Free Indonesia đã thúc giục giới chức đóng cửa những khu chợ bán động vật hoang dã để ngăn chăn sự xuất hiện của mầm bệnh mới.

Bà Indra Miningitasia - Giám đốc bảo tồn đa dạng sinh học của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia -cho rằng, bất kỳ quyết định nào về việc đóng cửa chợ bán động vật hoang dã tại Indonesia là trách nhiệm của quan chức địa phương. Bà cho hay, Bộ khuyến khích quan chức địa phương đóng cửa những khu chợ này. Văn phòng của bà đã xác định bảy chợ lớn trên các đảo Java, Sumatra, Bali và Sulawesi bán động vật hoang dã làm thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng, những chợ nhỏ hơn cũng bán thịt động vật hoang dã.

Nhiều khu chợ bán bất hợp pháp chim từ những khu rừng tại Indonesia - khoảng 20 triệu con mỗi năm. Tại chợ Depok - một chợ bán chim và động vật hoang dã nổi tiếng ở thành phố Solo, chính quyền địa phương đã ra lệnh loại bỏ gần 200 con dơi vì lo sợ virus corona lây lan. Chợ Depok vẫn hoạt động, nhưng không còn bán dơi nữa. Các quan chức ở Tomohon và các địa phương khác đã phản đối lời kêu gọi đóng cửa các khu chợ bán động vật hoang dã vì chúng cung cấp một nguồn thực phẩm, thu nhập quan trọng.

Chất lượng của một bữa ăn ở đây được xác định bởi sự đa dạng của số lượng thịt trên bàn ăn. Do đó, người dân địa phương muốn cung cấp cho khách nhiều loại thịt khác nhau. Thịt rừng có giá bằng hoặc cao hơn thịt động vật được chăn nuôi.

 

Chuột nướng được bán tại một khu chợ ở Indonesia năm 2017. Ảnh: AFP

 

Chợ động vật Tomohon là một phần của ngôi chợ lớn hơn - chợ Tomohon Wilken - ngôi chợ được đặt theo tên của một nhà truyền giáo người Đức. Chợ này bán tất cả mọi mặt hàng, gồm rau củ, trái cây đến quần áo, điện thoại di động. Các quan chức thành phố Tomohon đã cắt giảm giờ mở cửa của chợ này xuống một nửa trong tháng 3 để giảm bớt sự tiếp xúc xã hội.

Frank Delano Manus - người quản lý dự án của nhóm Animal Friends Manado Indonesia và ông Lolowang thuộc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Tasikoki cho biết, những loài động vật cần được bảo vệ đôi khi được bán tại chợ Tomohon và những chợ khác ở Bắc Sulawesi. Những loài này bao gồm cuscus lùn (một loài thú có túi mắt to), trâu Anoa (trâu rừng), khi đen Macaca ở Sulawesi, địa phương gọi là con yaki và hươu với ngà lớn.

Ông Manus hy vọng đại dịch sẽ cảnh báo mọi người về những rủi ro khi tiêu thụ thịt rừng, giúp họ nhận ra rằng giết động vật hoang dã làm thức ăn không phải một hành vi đúng đắn. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng những người này sẽ từ bỏ truyền thống của mình một cách dễ dàng. "Phần lớn người dân ở Bắc Sulawesi tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Người dân sẽ phải đối nếu họ phải đóng cửa hoàn toàn chợ động vật hoang dã", ông nói.

Theo Ione