NSUT Tuyết Thu đi xem kịch cà phê của Hồng Trang, thấy vở Chờ hay quá, chị bèn xin tác giả kiêm đạo diễn Vũ Trần cho mình dựng lại trên sân khấu Quốc Thảo. Tuyết Thu đã thêm nhân vật, thêm chi tiết để nổi bật tính cách từng nhân vật, câu chuyện thêm kịch tính, sinh động, thấy số phận, thấy năng lực diễn xuất… và thành công hơn cả mong đợi.

'Chờ' - một vở kịch hay - Ảnh 1.
Bảo Minh vai Út Lành, Hương Mi vai Mận trong vở Chờ

H.K

Câu chuyện về những con người trên một vùng đảo xa, ai cũng có nỗi niềm, và ai cũng ôm sự chờ đợi mỏi mòn. Thân phận của người phụ nữ đặc biệt được nhấn mạnh với hai nhân vật chị em Mận và Út Lành. Chị hai Mận có chồng say sưa nhậu nhẹt, đánh vợ đánh con, hình như là cảnh đời tiêu biểu cho rất nhiều người phụ nữ nông thôn, và họ cam chịu, ít khi nào dám cắt đứt. Cô em Út Lành thì yêu một ngư dân, và cảnh hồi hộp đợi chờ người đi biển quay về sau bão tố cũng là cảnh đời thường thấy. Cơn bão đã cuốn Trung, người yêu của Lành đi suốt 12 năm, Lành thành vọng phu mỏi mòn chờ đợi. Mận cũng vậy, 12 năm chờ chồng con quay về, không dám thay đổi chỗ ở, giữ nguyên cách bày trí căn nhà để đứa con nếu trở lại thì vẫn nhớ, vẫn nhận ra.

'Chờ' - một vở kịch hay - Ảnh 2.

Các diễn viên trẻ Bảo Minh (Út Lành), Vĩnh Trí (vai Trung) diễn rất ngọt trong vở kịch

H.K

Nhưng bên cạnh Mận và Lành cũng có những người đàn ông chờ đợi, chung tình. Hai anh em Nhẫn và Nại, người chờ Mận từ thuở thanh mai trúc mã, người chờ Lành từ lúc tóc còn xanh. Ngọn hải đăng cô đơn trên biển nhưng lúc nào cũng sáng đèn, giống như trái tim Nhẫn giữ ngọn lửa tình yêu cháy mãi, làm chỗ nương tựa cho Mận trong những lúc khó khăn. Hình ảnh ngọn hải đăng thật ý nghĩa, như một biểu trưng của thứ tình yêu lặng thầm mà bền bỉ. Nhân vật Nại thì hài hơn, cân bằng cả vở kịch bằng những chiêu dễ thương, nhưng vẫn là một bi kịch yêu thương.

Còn có bé Nhã, con của Mận, cũng chờ ngày sum vầy với mẹ sau 12 năm bị cha bắt đi, rời bỏ quê hương. Tình mẫu tử cũng như ngọn đèn không bao giờ tắt, đủ soi đường cho mẹ con trùng phùng. Những câu ru, những hành động dỗ dành, yêu thương, đủ làm khán giả rơi lệ.

Nhưng cái kết thật sự bất ngờ. Những con người chờ nhau, và đã gặp lại nhau, nhưng trong cay đắng. Từ người yêu trở thành cháu rể, có vẻ rất drama. Nhưng đạo diễn đã cho vở kịch xoáy vào tâm lý hơn là câu khách bằng drama. Diễn viên phải diễn thật ngọt, thật cảm động, chân thành, thậm chí thật nhẹ, và khán giả từ từ chảy nước mắt theo nước mắt của diễn viên, chứ không cần gào thét, lên gân. Đây cũng là ưu điểm dàn dựng của NSƯT Tuyết Thu. Chị khiến vở kịch không bị rơi vào kiểu melo thường thấy, mà có nét hiện đại, dễ chịu. Nhiều lớp diễn rất tinh tế, sâu sắc, vậy mà diễn viên đã vượt qua thử thách khi tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ.

Bảo Minh là một triển vọng trong vai Út Lành. Hương Mi cũng vậy, trong vai Mận. Hai gương mặt này khiến người xem đầy hy vọng. Ngay cả Thanh Diệu cũng quá dễ thương trong vai bé Nhã. 9 diễn viên trẻ đều làm người xem vừa ý.

Cuối cùng, đó chính là vở tốt nghiệp của lớp học viên K9 sân khấu Quốc Thảo. Nếu không nói đây là vở tốt nghiệp, thì khán giả sẽ nghĩ đây là một vở chuyên nghiệp. Từ tiếng nói sân khấu cho tới kỹ thuật biểu diễn, hình thể, hóa trang, thiết kế, trang phục... các em đều tự xoay sở và thành công hơn sự mong đợi. Nhiều khán giả đề nghị đạo diễn Quốc Thảo nên xếp lịch bán vé vở này thật sớm. Vở vừa có sự nghiêm túc lại vừa hấp dẫn, đủ sức đứng trên thị trường.

Theo Thanh niên