Chị Dương Thị Ngọc Thi (phải) được cán bộ của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) hướng dẫn kỹ năng bán hàng trực tuyến trên facebook, zalo…

Tôi là Dương Thị Ngọc Thi, hiện sống tại Khu hành chính 8, Phố An Sơn, Phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi kinh doanh gia dụng, hàng tạp hóa tại gia đình.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Đầu vào, đầu ra hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong thời điểm tỉnh Vĩnh Phúc nơi tôi sinh sống và kinh doanh phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân không đi lại, mua sắm được, hàng hóa bị ngưng trệ, không tiêu thụ được, tôi đã phải chuyển sang hình thức kinh doanh khác là mạng xã hội.

Dịch Covid-19 khiến công việc bán hàng của chị Ngọc Thi bị ảnh hưởng

Năm 2020 và đầu năm 2021, tôi đã được tham gia lớp khóa học về đào tạo công nghệ số của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM), được học các kỹ năng bán hàng trực tuyến trên facebook, zalo… Sau đó, tôi đăng hàng lên bán và tiếp cận với khách hàng không đến mua hàng được. Bên cạnh đó, tôi cũng có thêm những khách hàng mới là công nhân và nhân viên văn phòng. Với những người không có thời gian mua sắm, tôi giao hàng đến tận nơi.

Tôi cũng được TYM cũng hỗ trợ cho vay số vốn là 100 triệu để nhập hàng kinh doanh. Số vốn này rất có ý nghĩa với tôi, vì trong mùa dịch, cần phải nhập hàng với số lượng lớn, trong khi hàng hóa bán chậm, vốn đọng rất nhiều.

Để gỡ khó cho những chị em phụ nữ kinh doanh nhỏ như tôi vượt qua khó khăn trong mùa dịch, tôi mong muốn Hội LHPN Việt Nam sẽ tạo tạo điều kiện cho các chị em phụ nữ được vay vốn với thủ tục dễ dàng, đơn giãn, số vốn vay nhiều hơn và lãi suất giảm hơn để chị em có thể phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tôi cũng mong sẽ được tham gia thêm các khóa được đào tạo về quản lý nhân sự và kỹ năng bán hàng trên mạng để có thể bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada…

Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com

Dương Thị Ngọc Thi (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)