|
|
Ông Nawat Itsaragrisil nói rằng Đoàn Thiên Ân không lọt top 10 Miss Grand 2022 vì khuyết điểm hình thể. Ảnh:MGI. |
Hôm 26/10, ông Nawat Itsaragrisil, Chủ tịch Miss Grand International, chia sẻ Đoàn Thiên Ân, đại diện Việt Nam, trượt top 10 trong cuộc thi năm nay vì không đáp ứng tiêu chí hình thể. Ông Nawat nhấn mạnh Thiên Ân là thí sinh duy nhất có "phần thân trên dài hơn thân dưới, phần hông to".
"Tôi chỉ có thể đưa ra ý kiến khi kết thúc cuộc thi. Top 20 là thành tích ổn, quá tốt cho Việt Nam rồi. Tôi không biết các bạn muốn tốt hơn thế nào nữa. Chẳng nhẽ loại Brazil để đưa Việt Nam vào? Hoặc đánh trượt đại diện chủ nhà Indonesia? Nhưng thực ra Indonesia đã cố gắng hết mình".
Tuyên bố của ông Nawat ngay lập tức bị chỉ trích. Nhiều người đồng ý rằng mỗi cuộc thi sắc đẹp có những tiêu chí riêng, nhưng việc chủ tịch một cuộc thi mang tầm quốc tế công khai miệt thị ngoại hình thí sinh là điều không thể chấp nhận.
Đây cũng không phải lần đầu tiên chủ tịch Miss Grand International gây tranh cãi vì body shaming thí sinh tham dự cuộc thi. "Hãy đổi tên cuộc thi thành Miss body shaming. Tôi không ngờ chủ tịch của cuộc thi lớn có thể buông những lời như vậy", một bình luận bức xúc.
Ép thí sinh nhịn ăn, giảm cân
Năm 2016, Arna Ýr Jónsdóttir, Hoa hậu Iceland 2015, đã quyết định bỏ thi Miss Grand International sau khi ban tổ chức yêu cầu cô giảm cân, nhịn ăn nếu muốn giành chiến thắng.
Jónsdóttir cho biết cô rất tức giận khi nhận được tin nhắn từ chủ nhân cuộc thi nói rằng cô phải "bỏ ăn sáng, chỉ ăn salad cho bữa trưa và uống nước vào mỗi buổi tối cho đến khi cuộc thi diễn ra".
Ban tổ chức cuộc thi còn xem đây là "lời khuyên hữu ích cho thí sinh" vì họ đánh giá cao Jónsdóttir và muốn cô tiến xa.
|
|
Arna Ýr Jónsdóttir rút khỏi Miss Grand International 2016 vì bị chế giễu ngoại hình, khuyên giảm cân. Ảnh:Uwe Anspach. |
"Nếu chủ nhân của cuộc thi thực sự muốn tôi giảm cân và không thích tôi theo cách này, thì ông ấy không xứng đáng có tôi trong cuộc thi" cô Jónsdóttir nói với Iceland Monitor.
"Đúng vậy, vai của tôi hơi rộng hơn những cô gái khác, nhưng đó là vì tôi từng là thành viên của đội tuyển điền kinh quốc gia Iceland và tôi tự hào về điều đó. Tất nhiên tôi sẽ không để tâm đến những nhận xét này, nhưng tôi đang cố hết sức và nghe họ nói như vậy. Cá nhân tôi thấy mình hoàn toàn ổn", cô nói thêm.
Jónsdóttir từng là vận động viên nổi tiếng Iceland. Theo cô, luyện tập thể thao khiến cô trở nên cơ bắp, có bờ vai rộng. Jónsdóttir luôn tự hào về đặc điểm hình thể này cho đến khi nó bị miệt thị là yếu tố kìm hãm cô trong cuộc thi sắc đẹp.
"Tôi thực sự hy vọng rằng ban tổ chức Miss Grand sẽ mở rộng tầm nhìn của họ bởi vì đây là năm 2016 và nếu bạn định tổ chức một cuộc thi quốc tế, bạn phải nhìn thấy vẻ đẹp quốc tế", cô nhấn mạnh.
Đáp lại sự chỉ trích, ông Nawat không có ý định xin lỗi và tuyên bố mình không làm gì sai. "Cô ấy (Jónsdóttir) có thể hơi béo một chút và lời khuyên cô ấy nên cố gắng giảm cân để nâng cao cơ hội giành chiến thắng là có ý tốt. Đây là quá trình bình thường trong 3 tuần suốt cuộc thi, mọi người nên thể hiện sự thay đổi tích cực của mình".
Ông Nawat nói thêm các nhân viên của mình cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho các thí sinh khác, những người đã hỏi họ nên làm gì để cải thiện bản thân và giành chiến thắng.
Body shaming trong các cuộc thi sắc đẹp
Không chỉ Miss Grand International, các cuộc thi hoa hậu khác cũng đầy rẫy những nhận xét miệt thị ngoại hình phụ nữ.
Những lời bình phẩm, chê bai có thể đến từ ban tổ chức, giám khảo, khán giả, hoặc giữa các thí sinh. Nhiều hoa hậu từng chia sẻ việc bị ảnh hưởng tâm lý vì vấn nạn body shaming sau cuộc thi.
Alicia Machado trở nên nổi tiếng vào năm 1996, sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ ở tuổi 19. Nhưng đến năm 2016, tên tuổi cô lại một lần nữa phủ sóng trên các mặt báo.
Machado tuyên bố cô bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sở hữu cuộc thi sắc đẹp khi cô giành chiến thắng, gọi là "Miss Piggy".
Người mẫu gốc Venezuela nói rằng những lời nhận xét được đưa ra sau khi cô tăng khoảng 5 kg. "Tôi đã rất sợ ông ấy, người sẽ quát mắng tôi mọi lúc và luôn nói với tôi: 'Trông bạn thật xấu xí' hoặc 'Bạn trông quá béo'".
Machado kể ông Trump sau đó đã mời các phóng viên theo dõi cô trong một buổi tập thể dục. "Thật là nhục nhã. Tôi cảm thấy thực sự tồi tệ, giống như một con chuột trong phòng thí nghiệm".
Machado nói rằng trải nghiệm khiến cô đau đớn và sau đó mắc chứng rối loạn ăn uống.
|
|
Harnaaz Sandhu bị miệt thị ngoại hình sau khi tăng cân. Ảnh:AFP. |
Một trong những nạn nhân mới nhất của vấn nạn body shaming hoa hậu là Harnaaz Sandhu, người đăng quang cuộc thi Miss Universe 2021.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đăng quang, Sandhu bắt đầu có dấu hiệu tăng cân và ngày càng khó kiểm soát. Từ đây, cô phải đối diện với rất nhiều lời chỉ trích và bình luận khiếm nhã.
Sandhu chia sẻ cô từng suy sụp, khủng hoảng vì những lời miệt thị ngoại hình. "Tôi đã nghĩ rằng ai cũng có thể tăng cân và tôi hoàn toàn thoải mái về điều đó. Thế nhưng tôi lại bị mạt sát vì nó. Tôi cảm thấy không thoải mái khi mọi người chỉ khăng khăng nói về quan điểm riêng của họ. Tôi cho rằng vẻ bề ngoài không phải là thứ quan trọng nhất, điều ý nghĩa hơn nhiều đó là con người bạn và cách bạn đối xử với mọi người cũng như điều mà bạn tin tưởng".
Miss Universe 2018 Catriona Gray, người cũng từng bị body shaming sau khi đăng quang, đã lên tiếng bảo vệ Sandhu.
"Tôi cảm thấy đáng tiếc khi mọi người vùi dập phụ nữ theo cách này. Chúng tôi tích cực tuyên truyền thông điệp rằng một đại diện nhan sắc nào đó hoặc Miss Universe sẽ làm được nhiều việc hơn là xây dựng hình ảnh. Cô ấy sẽ không bị giới hạn vì vóc dáng của mình", người đẹp Philippines khẳng định.
Theo zingnews