Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee trong bức ảnh chụp năm 2007 - Ảnh: REUTERS
"Chủ tịch Lee Kun Hee là người có tầm nhìn thực sự đã chuyển đổi Samsung từ một doanh nghiệp địa phương thành nhà sáng tạo hàng đầu thế giới và một thế lực công nghiệp.
Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ luôn trân trọng những di sản của ông và biết ơn về hành trình được đồng hành với ông. Xin được chia buồn sâu sắc với gia đình ngài cố chủ tịch Lee", thông cáo của Samsung viết.
Con trai của ông Lee, phó chủ tịch Samsung Electronics Jay Y. Lee, và các thành viên khác trong gia đình cũng có mặt trong những giờ phút cuối cùng của ông.
Tài năng của cố lãnh đạo Samsung được chứng minh qua việc đã giúp phát triển doanh nghiệp kinh doanh mì của cha mình là Lee Byung Chull thành một tập đoàn hùng mạnh nhất Hàn Quốc, hoạt động trong hàng chục lĩnh vực từ điện tử, bảo hiểm đến đóng tàu và xây dựng.
"Di sản của cố chủ tịch sẽ trường tồn", Samsung nhấn mạnh trong thông cáo.
Gần như cả cuộc đời của ông Lee chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Samsung Electronics. Từ một nhà sản xuất TV hạng hai, Samsung Electronics đã lột xác thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới về doanh thu; vượt qua các thương hiệu Nhật Bản như Sony, Sharp và Panasonicvề chip, TV và màn hình; chấm dứt vị thế thống trị của điện thoại Nokia và đánh bại Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Ông Lee Kun Hee (thứ hai từ trái) trong một cuộc họp công ty cùng cha mình (bìa trái) năm 1978 - Ảnh chụp màn hình
Theo báo Korea Herald của Hàn Quốc, ông Lee lên cơn đau tim vào tháng 5-2014 và điều trị trong bệnh viện từ đó đến nay.
Hãng tin Reuters cho biết ông Lee là người mới nhất thuộc thế hệ thứ hai các tập đoàn gia đình Hàn Quốc qua đời. Sự ra đi của những người trong thế hệ thứ hai của các gia tộc lớn thường để lại nhiều khó khăn cho thế hệ thứ ba kế tục.
Cố chủ tịch Samsung sinh năm 1942 tại thành phố Daegu và "kế vị" cơ ngơi của cha vào năm 1987 khi đã 45 tuổi. Samsung đã đứng ở vị trí trung tâm của nền kinh tế Hàn Quốc thời điểm ông Lee tiếp quản tập đoàn, với tổng tài sản vào thời điểm đó là 8 ngàn tỉ won. Con số này hiện đã tăng lên hơn 400 ngàn tỉ won, theo Hãng thông tấn Yonhap.
Có thể nói, ông Lee đã "ngồi sẵn trên vai người khổng lồ". Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ông, Samsung từ một tập đoàn địa phương trở thành một tập đoàn toàn cầu, góp phần đưa Hàn Quốc từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá thành nền kinh tế thứ 12 thế giới, theo Hãng thông tấn AFP.
Cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee và người con trai duy nhất của ông Lee Jae Yong còn được biết đến với tên tiếng Anh là Jay Y. Lee - Ảnh chụp màn hình Yonhap
Ban đầu khi ông Lee mới lên nắm quyền chủ tịch, Samsung được coi là nhà sản xuất hạng hai với các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp. “Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của chúng ta,” ông nói với công nhân vào năm 1993.
Sau tuyên bố của ông, hơn 150.000 chiếc điện thoại cầm tay kém chất lượng mà Samsung có trong kho khi ấy đã bị tiêu hủy hết, mở đường cho sự tái sinh của chiếc "Anycall" vô cùng thành công của hãng.
Để khích lệ sự sáng tạo của nhân viên, chủ tịch Lee đã đặt hàng các sản phẩm điện tử Trung Quốc và trưng bày chúng tại trụ sở Samsung. Thông điệp của ông là các nhân viên không được coi thường Trung Quốc và họ đang nỗ lực bắt kịp Samsung như thế nào.
Lee hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông nhưng ông luôn nhắc tới tầm quan trọng của những bộ óc sáng suốt trong kinh doanh mỗi khi phỏng vấn. "Cho dù chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa, chúng ta cũng không cần phải sợ nếu chúng ta có những nhân tài tốt nhất trong thiết kế, nghiên cứu và phát triển", AFP trích lời ông Lee từng nói trong một cuộc họp với các công ty con.
"Trong thời đại cạnh tranh không giới hạn, chiến thắng hay thất bại sẽ phụ thuộc vào một số ít thiên tài. Một thiên tài sẽ nuôi sống 100.000 người”.
Theo tuoitre