leftcenterrightdel
 Những năm qua, làng phim ảnh Hoa ngữ lạm dụng công nghệ xử lý da mặt diễn viên làm mất đi sự chân thật

Đạo diễn phim Sí đạo (Con đường rực lửa) phải lên tiếng xin lỗi khán giả khi bị phàn nàn xử lý hình ảnh quá mức, khiến diện mạo diễn viên trông kém chân thực. 

Cuộc chiến hoa hồngBác sĩ Đường… cũng là những tác phẩm từng bị phản ứng tương tự, nhưng nhà sản xuất (NSX) giữ im lặng. Hai bộ phim đều có nội dung khá tốt, gây xúc động. Nhưng việc xử lý da quá mức khiến nhân vật trông siêu thực, thậm chí làm trẻ hóa quá mức so với tuổi tác.

Theo một số người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, ban đầu các bộ lọc nhằm để khắc phục một số vấn đề xảy ra trong quá trình quay, chẳng hạn da diễn viên không mượt, bị quầng thâm mắt, mặt bị sưng… Tuy nhiên, giờ đây, nhiều diễn viên lẫn các ê-kíp phụ thuộc vào công cụ này.

Tiểu Cửu - một nhân viên trong ê-kíp sản xuất phim nói: “Những năm gần đây, nhu cầu mài da ngày càng tăng. Chỉ một bộ phận nhỏ không quan tâm đến vấn đề này, còn lại không ai không cần”. Trước đây, các bộ lọc này thường được sử dụng chủ yếu trong phim cổ trang, hiện đã lan rộng đến các thể loại khác.
Diễn viên được cà da láng mịn Trong phim Con đường rực lửa
Diễn viên được "cà" da láng mịn trong phim Sí đạo

NSX muốn có được hình ảnh mượt mà, nhưng diễn viên lại lớn tuổi, có dấu hiệu tuổi tác rõ rệt, trang điểm quá đậm… nên buộc phải sử dụng công nghệ này. Các nền tảng phát sóng cũng buộc NSX phải xử lý hình ảnh mượt mà. Trong khi đó, nhiều công ty quản lý khi ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất đều buộc phải có quy định xử lý da khi hậu kỳ tác phẩm. Biên tập viên Nam Nam cho biết, anh từng nổi giận khi ê-kíp của một diễn viên đề nghị được tự mài da trong phim. 

Việc sử dụng bộ lọc này buộc phải bỏ đi các nếp nhăn ở vùng cổ, mũi, trán… đôi khi làm giảm đi sự chân thật, sinh động trong biểu cảm của diễn viên. Tính thẩm mỹ, sự đồng bộ cũng mất đi khi một số cảnh được xử lý quá kỹ, còn một số thì không. Chưa kể, khâu này cũng làm mất đi màu, ánh sáng gốc của phim, làm ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, tâm lí làm việc của đội ngũ.

Sự lạm dụng bộ lọc đến mù quáng hiện tại trong ngành phim ảnh khiến dư luận chỉ trích. Điều này khiến nhiều ê-kíp xem nhẹ khâu sản xuất, đặc biệt khâu chuẩn bị, bố trí ánh sáng để có được hình ảnh mượt mà nhất. 

Không dừng lại ở việc lạm dụng, nhiều phim cũng bị phản ứng vì xử lý kém chất lượng. Một lần nọ, Nam Nam xem phim nói về môn thể thao bóng bàn, diễn viên được dùng bộ lọc xử lý đến mức trên gương mặt có quầng sáng, không thể xem rõ biểu cảm. Trong khi đó, Tiểu Cửu cho biết vì xử lý quá mức phần bọng mắt diễn viên mà một bộ phim khi ra mắt đã bị công chúng phê bình thậm tệ. Họ cho rằng trên mắt diễn viên có một con tằm vắt ngang.  

Việc xử lý quá mức khiến mất đi biểu cảm của diễn viên
Việc xử lý quá mức khiến mất đi biểu cảm của diễn viên

Khâu xử lý này phụ thuộc vào hai yếu tố: tiền bạc và thời gian. Nhiều khâu yêu cầu thời gian 1 tháng nhưng ê-kíp làm cẩu thả, chỉ 1 tuần là hoàn thành. Một số đơn vị thuê sinh viên mới ra trường, non kinh nghiệm, dẫn đến chất lượng xử lý không tốt. 

Thường, khâu này sẽ được thực hiện cuối cùng, cũng là thời điểm đoàn phim dần cạn kinh phí. Vì thế, nhiều ê-kíp không có đủ điều kiện để xử lý tốt nhất có thể. Một nguồn tin cho biết, trước đây chi phí cho việc này là 8.000 NDT (khoảng 28 triệu đồng)/xử lý 1 giây. Nhưng gần đây, nhờ sự phát triển ngày càng tân tiến của thiết bị, phần mềm nên chi phí được hạ thấp một chút. Các ê-kíp cũng thường nhận xử lý trọn gói.

Sự phản ứng gay gắt của khán giả với hình ảnh trong trailer của An Lạc truyện hay trong nội dung của Con đường rực lửa đã khiến người làm nghề bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về mặt trái của công nghệ xử lý này.

Nam Nam cho rằng bản thân công nghệ không có lỗi, nhưng tư duy và cách sử dụng của con người hiện đang có vấn đề. Theo anh, sản phẩm phục vụ công chúng thì cần lắng nghe họ để điều chỉnh. 

Theo phụ nữ TPHCM