Tại mỗi điểm đến, tôi trải qua thời gian cách ly 14 ngày và thực hiện nhiều xét nghiệm Covid-19. Giờ đây, việc không được bước chân ra ngoài trở nên bình thường.

Nhiều quốc gia châu Á ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thông qua các quy định nghiêm ngặt như hạn chế đi lại giữa các nước và tích cực truy vết người tiếp xúc với F0.

Ở khu vực Đông Á, tôi đã có những trải nghiệm cách ly khác nhau. Nhờ đó, tôi biết rằng các chính phủ đang cố gắng dập tắt dịch bệnh theo cách riêng của họ.


                                                          Selina Wang đã có những trải nghiệm cách ly khác nhau ở khu vực Đông Á.

Bắc Kinh


Cuối tháng 5, một người bạn mời tôi đến thăm Xinfadi - chợ thực phẩm tươi lớn nhất Bắc Kinh. Khoảng 2 tuần sau đó, chính quyền thành phố thông báo đợt bùng phát mới liên quan đến địa điểm này, đánh dấu làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở thủ đô.

Ngay sau thời điểm đó, các quan chức cấp cao của chính phủ cũng tuyên bố “chế độ thời chiến” để dập tắt sự bùng phát.

Các nhà chức trách đã gửi tin nhắn tới nhiều người từng đến thăm chợ trong vài tuần trước đó, yêu cầu họ cách ly. Những hạn chế dành cho họ là khác nhau, tùy thuộc vào nơi sinh sống.

Người bạn đi chợ cùng tôi thậm chí phải gắn bộ cảm biến ở trước cửa, nhằm thông báo với ban quản lý tòa nhà bất cứ khi nào cô ấy mở cửa.

Tôi được yêu cầu cách ly ít nhất 14 ngày và làm 2 xét nghiệm Covid-19. Ban quản lý căn hộ giám sát nhằm đảm bảo tôi không rời khỏi phòng, thậm chí không bước chân vào các không gian như thang máy hoặc sảnh đợi của tòa nhà.


                                                        Nhân viên y tế của thành phố tới lấy mẫu xét nghiệm ở trước cửa phòng Selina Wang.

Gần đầu và cuối đợt cách ly, một người mặc bộ đồ bảo hộ xuất hiện trước cửa phòng để lấy mẫu xét nghiệm của tôi. Ngay ngày hôm sau, tôi sẽ nhận được tờ giấy ghi kết quả ở dưới cửa nhà. Hai lần một ngày, tôi phải báo cáo nhiệt độ cơ thể cho ban quản lý tòa nhà.

Kể từ khi dịch bùng phát ở Bắc Kinh vào mùa hè, chính quyền đã áp dụng chiến lược này nhiều lần để ngăn chặn sự lây lan: xét nghiệm hàng triệu người trong vài ngày, tích cực truy vết người tiếp xúc F0 và phong tỏa theo khu vực.

Cho đến nay, phương pháp chống dịch này dường như có hiệu quả, cho phép cuộc sống của người dân gần như trở lại bình thường.

Hong Kong


Tôi bay tới Hong Kong vào đầu tháng 8, trong làn sóng Covid-19 thứ ba của thành phố này. Hong Kong đã đóng cửa biên giới với gần như toàn bộ người nước ngoài, ngoại trừ cư dân thành phố và du khách đến từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan hoặc Macau.

Selina Wang được phát vòng đeo tay ở sân bay Hong Kong.

Khi hạ cánh ở Hong Kong, mọi hành khách trên chuyến bay mất khá nhiều thời gian để ký vào biểu mẫu, nhận hướng dẫn và xét nghiệm Covid-19. Đêm đầu tiên, tôi phải ở trong khách sạn do chính phủ sắp xếp và rời đi vào buổi sáng hôm sau, khi có kết quả âm tính.

Tại sân bay, tất cả du khách đều nhận được vòng đeo tay có mã QR. Khi đến khu cách ly, tôi phải kết nối vòng đeo tay của mình với một ứng dụng trên điện thoại.

Sử dụng Wi-Fi, Bluetooth và GPS, công nghệ này sẽ gửi cảnh báo đến cơ quan chức năng nếu người đeo vòng tay rời khỏi khu cách ly.

Hệ thống này từng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư ở Hong Kong. Tuy nhiên, Arthur Chan - Giám đốc điều hành của SagaDigits, công ty đã tạo ra công nghệ này - cho biết ứng dụng chỉ phát hiện sự thay đổi về địa điểm, mà không hề biết vị trí chính xác của người dùng.

Mọi người không được phép tháo vòng đeo tay trong thời gian cách ly. Nếu vi phạm, họ có thể bị phạt tới 25.000 USD và ngồi tù 6 tuần.

Đeo vòng tay trong vòng 14 ngày là điều phiền toái, nhất là khi đi tắm và ngủ. Gần kết thúc đợt cách ly, tôi phải làm thêm xét nghiệm Covid-19.

Hong Kong đã giữ mức độ lây nhiễm tương đối thấp trong khi vẫn tránh được các biện pháp phòng dịch cực đoan. Giống như ở Trung Quốc đại lục, sự kết hợp của lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và cách ly, cùng với yêu cầu đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đã đem lại hiệu quả.

Tokyo


Tôi bay đến Tokyo từ Hong Kong vào cuối tháng 10. Trong vòng 72 tiếng trước khi máy bay cất cánh, tôi phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 kèm chữ ký xác nhận của bác sĩ.

Ngay khi hạ cánh, hành khách được hướng dẫn thực hiện xét nghiệm. Sau 1-2 tiếng chờ đợi, tôi đã có kết quả âm tính và tiếp tục thông qua cơ quan nhập cảnh và hải quan.

Wang nhận được tờ hướng dẫn khi xuống sân bay ở Tokyo.

Tương tự như trải nghiệm ở sân bay Hong Kong, tôi phải khai báo thông tin chi tiết về lịch sử di chuyển trên một ứng dụng và xuất trình mã QR cho nhà chức trách tại sân bay. Tôi cũng nhận được văn bản yêu cầu “không rời địa điểm cách ly trong 14 ngày’, “tránh tiếp xúc với người khác” và “không sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.


Wang 

Du khách phải tự sắp xếp phương tiện di chuyển từ sân bay và khai báo nơi họ sẽ cách ly. Tuy nhiên sau đó, không có biện pháp cưỡng chế nào được thực hiện với họ: không ai kiểm tra nhiệt độ cơ thể, giám sát việc ở yên trong nhà hay làm thêm xét nghiệm Covid-19 trước khi kết thúc đợt cách ly.

Tại sân bay, một trong những tài liệu yêu cầu du khách thêm Bộ Y tế Nhật Bản trên ứng dụng nhắn tin Line.

Khi mở cuộc trò chuyện với Bộ Y tế, tôi nhận được một số câu hỏi có-hoặc-không tự động và chỉ có vậy.

Nhật Bản từng là một trong những quốc gia có quy định cấm đi lại nghiêm ngặt nhất thế giới để chống đại dịch: gần như cấm nhập cảnh đối với hầu hết khách du lịch và doanh nhân từ hơn 150 quốc gia. Chỉ trong những tháng gần đây, xứ Phù Tang mới dần nới lỏng các quy định đó.

“Vẫn có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nhật Bản cần tăng cường kiểm tra, cách ly, truy vết người tiếp xúc với F0. Hiện tại, hệ thống phòng dịch không được nghiêm ngặt như vậy”, Kenji Shibuya - Giám đốc Viện Y tế Công cộng tại Đại học King's College London, Anh - cho biết.

Dù Nhật Bản chưa bao giờ thực hiện phong tỏa toàn quốc, họ đã cố gắng tránh được vài đợt bùng phát dịch. Tuy nhiên, so với Trung Quốc đại lục và Hong Kong - những nơi chủ yếu báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức 1-2 con số trong vài tháng qua, Nhật Bản tiếp tục báo cáo hàng trăm, gần đây là hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Shibuya nhận định Nhật Bản tránh thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt một phần do áp lực duy trì sự phát triển kinh tế trong bối cảnh Thế vận hội bị trì hoãn. Bên cạnh đó, luật pháp Nhật Bản không cho phép chính phủ thực hiện lệnh phong tỏa.

Bất chấp những hạn chế lỏng lẻo, đến nay, Nhật Bản báo cáo ít hơn 2.000 ca tử vong do Covid-19. Theo Satoshi Hori - GS tại Đại học Juntendo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, văn hóa đeo khẩu trang và vệ sinh sạch sẽ đã giúp ích rất nhiều.

Bên cạnh đó, người dân Nhật cũng nhận ra rằng họ nên tránh không gian kín với hệ thống thông gió kém, nơi đông người và tiếp xúc gần.


                                                        Wang là một trong số ít người xuất hiện ở sân bay Hong Kong tháng 10 vừa qua.

Di chuyển giữa các quốc gia trong đại dịch là quá trình mệt mỏi. Các hạn chế và hướng dẫn luôn thay đổi ở từng nước. Không có giải pháp kỳ diệu nào có thể ngăn chặn sự lây lan của virus trước khi có vaccine đặc trị.

Cho dù sống ở nơi không có lệnh hạn chế hay trong khu vực bị phong tỏa, chúng ta đều đang học cách sống chung với mối đe dọa từ Covid-19, có thể rình rập bất cứ ai mà chúng ta tiếp xúc.

Theo  Zing