Ping Ping, tên thật là Jin Ting (áo hồng) bật khóc khi gặp lại cha mẹ ruột tại thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây, phía nam Trung Quốc hôm 17/8. Ảnh: Asia Wire.

Jin Ting hôm 17/8 đoàn tụ với vợ chồng ông Jin Guosheng, cha mẹ ruột của cô, tại thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây, phía nam Trung Quốc, sau khi kết quả xét nghiệm ADN xác nhận họ có quan hệ máu mủ. 

Jin được cho là bị người lạ bắt cóc khi đang một mình đi bộ đến sạp bán hoa quả của mẹ vào năm 1989. Nhân chứng kể rằng bé gái có biệt danh Ting Ting, 3 tuổi, vừa đi bộ vừa khóc trên đường thì có một người đàn ông trung niên tiến lại và đưa em đi. 

Jin Guosheng cho hay vợ chồng ông đã đến hầu như tất cả các thành phố lớn của Trung Quốc để tìm con gái suốt nhiều năm nhưng không có kết quả. "Chúng tôi làm việc ở bất kỳ nơi nào chúng tôi đến", ông nói.

Tháng 3/2018, những nỗ lực của họ thu hút sự quan tâm của một tình nguyện viên thuộc tổ chức phi lợi nhuận Baobeihuijia chuyên tìm kiếm trẻ em mất tích. Biết rằng vợ chồng ông Jin từng cung cấp mẫu ADN cho cảnh sát Ưng Đàm, các thành viên của Baobeihuijia đã dò tìm trong hệ thống dữ liệu và phát hiện một phụ nữ có nhiều điểm tương đồng với con gái của họ.

Người phụ nữ tự xưng là Ping Ping, sống ở thị trấn Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, cách nơi họ ở khoảng 550 km. Thông qua Baobeihuijia, Ping Ping đã kết nối với vợ chồng ông Jin hồi tháng 6. Cảnh sát địa phương sau đó tổ chức xét nghiệm ADN cho họ và kết quả được công bố hôm 13/8 xác nhận Ping Ping chính là con gái mất tích của hai người. 

Khi nhận được kết quả ADN, ông Jin đã vô cùng xúc động. "Suốt mấy ngày tôi vui mừng đến không ngủ được, tim tôi cứ rộn ràng", ông nói.

Ping Ping được cha mẹ ruột giới thiệu với họ hàng thân thích tại thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây, phía nam Trung Quốc hôm 17/8. Ảnh: Asia Wire

Ông Jin vẫn nhớ rõ con gái mất tích vào ngày 17 tháng 7 âm lịch năm 1989 và đúng 30 năm sau, cô trở về nhà cũng đúng vào ngày 17 tháng 7 âm lịch. Ping Ping giờ đã làm mẹ của 3 đứa trẻ và đang quản lý một xưởng nhỏ ở Phủ Điền.

"Con bé nói mình có cuộc sống ổn định và cha mẹ nuôi đối xử rất tốt", ông kể, cho hay mình cũng có kế hoạch theo con gái về Phủ Điền để gặp gia đình đã nuôi nấng cô.

"Chúng tôi sẽ cảm ơn cha mẹ và ông bà nuôi của con bé vì đã chăm sóc cho con gái chúng tôi chu đáo như thế", ông Jin nói.

Bắt cóc trẻ em là một vấn nạn nghiêm trọng ở Trung Quốc, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Quan niệm trọng nam khinh nữ khiến nhiều gia đình tìm mua lại các bé trai. Bên cạnh đó, chính sách một con kéo dài 4 thập kỷ cũng gây ra chênh lệch lớn về tỷ lệ nam nữ, khiến nhiều bé gái bị bắt cóc và bán làm cô dâu. 

Giới chức Trung Quốc không công bố số lượng trẻ em bị bắt cóc mỗi năm. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2016 trên trang Caijing, có khoảng 200.000 trẻ em mất tích mỗi năm ở nước này, trong đó chỉ 0,1% tìm lại được cha mẹ khi còn họ còn sống.

Theo cuộc khảo sát của Baobeihuijia dựa trên hơn 8.860 trường hợp được thống kê trên trang web của tổ chức này, khoảng 64% trẻ em bị bắt cóc là bé trai và hơn 75% dưới 6 tuổi.

Theo vnexpress