Co hoi va thach thuc tang cuong hop tac thuong mai Viet-Sec hinh anh 1
 Dệt may, một trong những ngành xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Séc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Prague, Tham tán thương mại tại Cộng hòa Séc Nguyễn Thị Hồng Thủy đánh giá: “Việt Nam và Cộng hòa Séc có cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau nên cả hai bên sẽ cùng có lợi khi tăng cường hợp tác song phương."

"Việt Nam mạnh về những nhóm hàng Séc không sản xuất hoặc sản xuất ít như hàng công nghiệp nhẹ và nông lâm hải sản, còn Séc mạnh về công nghiệp nặng. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 5 năm qua,” bà Nguyễn Thị Hồng Thủy nói thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã tăng từ mức 1,04 tỷ USD năm 2017 lên 2,08 tỷ USD năm 2021.

Nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào Séc là điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính và các sản phẩm điện tử.

Nhóm này thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Séc, khoảng 40%, riêng năm 2021 lên tới 55,47%.

Điều này phản ánh nhu cầu tăng đối hàng điện tử nhằm phục vụ mục đích học tập và hội họp trực tuyến tại Séc.

Tiếp theo là nhóm sản phẩm da và giày dép (16%); các sản phẩm máy móc cơ khí, thiết bị phụ tùng (8,62%), dệt may (6,69%).

Đặc điểm chung là các nhóm hàng này phần lớn được sản xuất bởi khối doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và đây cũng là mô hình chung trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Các nhóm sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của khối doanh nghiệp trong nước sang Séc bao gồm: cao su (1,51%), nhựa (1,41%), sắt thép (1,39%), đồ chơi (1,37%), đồ nội thất (0,91%).

Xuất khẩu nông lâm thủy sản và thực phẩm của Việt Nam vào Séc liên tục tăng trưởng trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 giúp xoá bỏ phần lớn thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm này.

Tuy nhiên, so với nhóm sản phẩm của khối doanh nghiệp nước ngoài, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn còn thấp.

Co hoi va thach thuc tang cuong hop tac thuong mai Viet-Sec hinh anh 2
 Tham tán thương mại tại Cộng hòa Séc Nguyễn Thị Hồng Thủy (trang phục đỏ) cùng đoàn công tác làm việc tại Tập đoàn Skoda của Séc. (Ảnh: TTXVN phát)

Một trong những lợi thế có thể góp phần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Séc là cộng đồng người Việt tại quốc gia Trung Âu này.

Tính theo tỷ lệ dân số, người Việt sống tại Séc có mật độ đông nhất, trải đều nhất trên tất cả các vùng của Séc, từ thành phố đến nông thôn, phần lớn trong số đó kinh doanh trong ngành bán lẻ, nhà hàng, xuất nhập khẩu, phân phối ở các quy mô khác nhau.

Do đó, khi xuất khẩu hàng sang Séc, các doanh nghiệp trong nước tương đối thuận lợi trong việc tìm đối tác phù hợp với quy mô và giai đoạn phát triển của mình.

Về phía Séc, nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này vào Việt Nam là máy móc cơ khí, chiếm 15% tổng xuất khẩu từ Séc vào Việt Nam năm 2021.

Tiếp theo là nhóm sản phẩm nhựa (13,20%), đồ điện tử (12,41%), xe ô tô và phụ tùng (11%), dược phẩm (6,22%), thiết bị chính xác và máy móc y tế (5,39%), vũ khí (5,11%).

Đây là những ngành có thể mạnh của Séc và đặc điểm này cũng thể hiện trong cơ cấu đầu tư từ Séc vào Việt Nam khi phần lớn tập trung vào cơ khí, kỹ thuật, như nhà máy khóa Việt Tiệp, bệnh viện Việt Tiệp.

Ngày 7/10, Tập đoàn Skoda của Séc đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Thành Công của Việt Nam để từng bước phân phối, lắp ráp và sản xuất ôtô của Séc tại Việt Nam và từ Việt Nam xuất khẩu tiếp vào các nước thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, Séc là nước xuất khẩu ròng về năng lượng, có thế mạnh về sản xuất nhiệt điện và cung cấp các công nghệ phục vụ ngành nhiệt điện. Nhiều công ty Séc đã hợp tác hiệu quả với đối tác Việt Nam trong việc cung cấp máy móc thiết bị và công nghệ trong ngành nhiệt điện. Cùng với nhiệt điện, ngành khai mỏ của Séc cũng rất phát triển.

Năm 2022, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng được cả hai phía quan tâm thúc đẩy, thể hiện qua việc trao đổi đoàn giữa EVN với tập đoàn CEZ hồi đầu năm, Hội thảo bàn tròn về năng lượng và Diễn đàn Kinh doanh Việt-Séc trong dịp hội nghị Uỷ ban Liên chính phủ Việt-Séc họp vào cuối tháng 6/2022.

Bộ Công Thương Séc mới đây cũng đã tổ chức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng của nước này sang tham gia triển lãm Minig Vietnam 2022 và làm việc với các đối tác Việt Nam như EVN, PVN và VINACOMIN.

Điểm mạnh chung của Việt Nam và Séc là mỗi nước đều có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực của mình. Séc có thể thông qua Việt Nam để vào thị trường ASEAN.

EVFTA tạo mức độ ưu đãi trong thương mại và đầu tư với Việt Nam thuận lợi hơn với các nước ASEAN khác.

Việt Nam có thể thông qua Séc để đưa hàng hoá dịch vụ đến các nước thành viên EU khác, đặc biệt các nước có biên giới chung với Séc như Đức, Ba Lan, Slovakia, Áo nhờ hệ thống phân phối vừa dày vừa rộng của cộng đồng người Việt tại Séc.

Theo Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hồng Thủy, mặc dù có những thuận lợi nêu trên, song vẫn tồn tại một số khó khăn cần khắc phục nhằm tăng hiệu quả hợp tác thương mại đầu tư song phương, trong đó có những khó khăn do điều kiện tự nhiên, một số khó khăn do yếu tố khách quan hoặc do các chính sách, quy định.

Xét về điều kiện tự nhiên, Việt Nam và Séc có vị trí địa lý tương đối xa nhau và tương tự như Áo, Slovakia, Séc không có biển nên hàng hoá xuất nhập khẩu phải chuyển tải từ các cảng ở Đức, Hà Lan.

Việc vận chuyển trong điều kiện bình thường đã mất nhiều thời gian và chi phí hơn so với giao thương với các nước trong cùng khu vực.

Đặc biệt kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao thì chi phí logistics đã bị tăng lên đột biến.

Vào thời kỳ cao điểm của đại dịch trong năm 2021, chi phí vận chuyển và logistics cho mỗi container từ Việt Nam sang Séc tăng 4-5 lần, thậm chí nhiều hơn, làm giảm lợi nhuận và gây khó khăn cho các đơn vị nhập khẩu, phân phối.

Đến nay, chi phí đã giảm so với lúc cao điểm song vẫn còn cao so với trước dịch.

Thêm vào đó, qua 2 năm các nước EU nói chung và Séc nói riêng đóng cửa kinh tế, đóng cửa biên giới để hạn chế dịch, chi phí xuất nhập khẩu tăng cao khiến các doanh nghiệp nhập khẩu cân nhắc tìm mặt hàng thay thế, tìm nguồn cung từ các nước có vị trí địa lý gần hơn, hoặc có doanh nghiệp tìm kiếm khả năng sản xuất tại chỗ.

Đây là xu hướng không thuận lợi, nếu kéo dài sẽ gây khó khăn cho việc tăng cường xuất khẩu. Các biện pháp khắc phục như mở đường bay thẳng; tăng cường đầu tư để sản xuất và cung cấp tai địa bàn; hay xây các tổng kho, các kho ngoại quan … đều đòi hỏi thời gian, nguồn lực cũng như chính sách.

Trong lúc này, các nhà sản xuất, nhà xuất nhập khẩu, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics cần ngồi lại và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp cung cấp dịch vụ hợp lý hơn, có thể hài hoà lợi ích và đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài của tất cả các bên liên quan.

Về lý do khách quan, nếu không kể hàng hoá do khối doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sản xuất như điện thoại, giày dép, quần áo đã được tin dùng và yêu thích ở thị trường Séc, đa số hàng hóa của khối doanh nghiệp trong nước xuất sang chủ yếu phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Việt.

Co hoi va thach thuc tang cuong hop tac thuong mai Viet-Sec hinh anh 3
 Một sản phẩm mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam được bán trong hệ thống siêu thị Globus của Séc. (Ảnh: Ngọc Biên/TTXVN)

Những sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu khá nhiều như quả thanh long, quả vải, quả nhãn, các sản phẩm từ gạo như phở, bún, miến hay các loại bột, các loại bánh, nước chấm … vẫn còn tương đối mới lạ với người tiêu dùng sở tại.

Việc phát triển thị trường nhắm vào người tiêu dùng sở tại thành công sẽ giúp làm tăng lượng cầu lên đáng kể.

Nếu các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước chú trọng hơn nữa công tác tiếp thị, tạo nhu cầu của thị trường thì việc bán sản phẩm sẽ phát triển chắc và bền vững hơn.

Khó khăn tiếp theo là hệ thống các chính sách quản lý nhập khẩu của EU phức tạp và hay thay đổi.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, EU đã ra một loạt các chính sách mới quy định chặt chẽ hơn về dư lượng chất cấm, tăng cường kiểm tra đối với nông lâm hải sản và thực phẩm chế biến…

Nhiều mặt hàng của Việt Nam dù đã được xóa bỏ thuế nhập khẩu vào Séc theo EVFTA nhưng lượng xuất khẩu tăng chưa đáng kể do nhiều đơn vị còn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về quy trình nuôi trồng, canh tác, chế biến của EU như hoa quả tươi, gạo, các thực phẩm có nguồn gốc động vật, mỳ ăn liền…

Để giảm bớt tác động không mong muốn từ các chính sách này, một mặt người sản xuất và xuất khẩu phải nâng cao năng lực, sản xuất ra hàng hóa đạt chuẩn theo quy định của EU, mặt khác các cơ quan chức năng cần tăng cường đàm phán với đối tác EU nhằm dỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện gia tăng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên phản ánh ngay và đầy đủ cho các cơ quan chức năng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các hiệp hội ngành hàng về những khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu sang Séc và EU để các cơ quan liên quan kịp thời có biện pháp hỗ trợ./.

Theo TTXVN/Vietnam+