Chọn thực phẩm hay là thuốc

Kể từ khi con trai được chẩn đoán nhiễm HIV, anh Shahzado Shar thường bị buộc phải lựa chọn giữa thực phẩm và thuốc.

Đứa con 5 tuổi của anh là một trong số hàng trăm trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính vào năm 2019 sau một vụ bê bối liên quan đến việc tái sử dụng kim tiêm ở miền nam tỉnh Sindh.

Số lượng bệnh nhân nhanh chóng tăng lên và hai năm sau, con số này lên đến hơn 1.500 người, theo số liệu của ngành y tế tỉnh này.

Trung tâm xét nghiệm và điều trị HIV lớn nhất của Pakistan được thành lập ở thị trấn nông thôn Rota Dero sau thảm họa, cung cấp miễn phí các loại thuốc kháng virus cứu người. Nhưng các gia đình bị ảnh hưởng phải tự trang trải thêm các chi phí phát sinh do bệnh tật.

"Họ bảo chúng tôi đi kiểm tra thêm ở các bệnh viện tư nhân, nhưng chúng tôi không có đủ tiền", Shahzado nói với AFP, mô tả việc con trai anh tiếp tục bị sốt thường xuyên, đau bụng...

Khoảng 30 trẻ em khác cũng dương tính với HIV ở ngôi làng nhỏ Subhani Shar, chỉ cách Rato Dero vài km.

Vào năm 2019, hàng trăm trẻ em tại vùng quê nghèo của tỉnh Sindh được xác nhận dương tính HIV
Vào năm 2019, hàng trăm trẻ em tại vùng quê nghèo của tỉnh Sindh được xác nhận dương tính HIV

Các bệnh viện công của Pakistan, tập trung phần lớn ở các thành phố, thường hỗn loạn và kém hiệu quả, khiến các gia đình nông thôn phải phụ thuộc vào các phòng khám tư nhân mà họ hiếm khi có đủ khả năng chi trả, với các bác sĩ không có giấy phép hành nghề.

Chuyên gia nhi khoa Fatima Mir - từ Đại học Aga Khan ở Karachi - cho biết, ít nhất 50 trẻ em đã chết kể từ khi chúng được chẩn đoán nhiễm HIV, một phần do tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói của các gia đình trong khu vực.

Các nhà chức trách đổ lỗi cho một bác sĩ duy nhất - một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng ở Rato Dero - đã gây ra sự cố nói trên.

Bác sĩ Muzaffar Ghangro hiện đang được tại ngoại và các phiên tòa liên tục bị lùi lại, gây ra sự tức giận của nhiều gia đình. Bị cáo phủ nhận những cáo buộc, nói rằng nhiều bác sĩ khác cố tình gây lây lan căn bệnh này và đổ tội cho ông ấy vì ghen tị với thành công của ông.

Nguyên tắc an toàn y tế bị xem nhẹ

Việc kiểm soát nhiễm trùng kém xảy ra tràn lan trên khắp đất nước Pakistan nghèo khó, nơi các bác sĩ thường tái sử dụng thiết bị y tế để cắt giảm chi phí - vì sự cần thiết hoặc vì lòng tham.

Kể từ khi vụ bê bối kim tiêm bẩn tại Sindh được đưa ra ánh sáng vào năm 2019, đã có rất ít thay đổi. Người tố giác vụ việc, bác sĩ Imran Akbar Arbani cho biết: "Mọi thứ vẫn tồi tệ như lúc trước".

Arbani đã đưa dữ liệu do ông thu thập về sự lây nhiễm cho các phương tiện truyền thông địa phương, sau khi phát hiện ra một con số đáng báo động trẻ sơ sinh nhiễm HIV ở Rato Dero, nơi ông có một phòng khám tư nhân.

Ông cho biết, các nhà chức trách nhanh chóng phản ứng vào thời điểm đó, nhưng sự chú tâm của họ giảm dần theo thời gian: “Trong ba tháng đầu tiên, những kẻ lang băm, hành nghề y tế trái phép bị bắt giữ và nhiều phòng khám đóng cửa, nhưng sau đó họ đã được thả, còn các cơ sở y tế “chui” tiếp tục hoạt động”.

Bác sĩ Rafiq Khanani - Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm của Pakistan - cho biết, các quy định về an toàn dịch tễ không hiệu quả hoặc thường xuyên bị phớt lờ.

Sau vụ bê bối, chính phủ đã cấm nhập khẩu ống tiêm thông thường, yêu cầu chỉ sử dụng loại kim tự động khóa sau một lần sử dụng. Nhưng một quan chức y tế tại Sindh nói với AFP rằng, nhiều bác sĩ đang lách lệnh cấm và vẫn mua những mẫu kim tiêm rẻ hơn.

Tái sử dụng kiêm tiêm sai cách khiến Pakistan đối mặt với sự bùng phát HIV ở đối tương trẻ em, thanh thiêu niên
Tái sử dụng kim tiêm sai cách khiến Pakistan đối mặt với sự bùng phát HIV ở nhóm trẻ em

Tương lai bị đánh cắp

Ông Ayesha Isani Majeed - người đứng đầu Chương trình Kiểm soát AIDS Quốc gia của chính phủ - nói rằng, Pakistan cần đảm bảo các loại thuốc kháng retrovirus quan trọng và cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện hơn cho bệnh nhân.

Nhiều gia đình chưa bao giờ nghe nói về HIV, nhưng giờ đây nó đã chi phối cuộc sống của họ.

Subhani Shar, một người mẹ trẻ đang ngồi ôm con gái trên đùi trong ánh hoàng hôn, cô bé lại bị sốt.

Subhani Shar cho biết đôi khi cô quên đến nhận thuốc - loại thuốc có thể kiểm soát HIV và giúp ngăn ngừa sự lây truyền - cho đứa con 4 tuổi của cô. Đứa bé thường từ chối uống thuốc.

Người mẹ 25 tuổi, người cũng đã nhiễm HIV cho biết: "Chúng tôi rất nghèo ... Gia đình bắt đầu làm việc từ lúc mặt trời mọc, và nhiều khi không ai rảnh để nhớ cho con bé uống thuốc".

Hakimar nói thêm: “Chính phủ không cung cấp cho chúng tôi thuốc kháng sinh hay vitamin tổng hợp và chúng tôi không thể tự mua chúng. Chúng tôi không nhìn thấy tương lai nào cho bản thân".

Theo phunuonline.com.vn