leftcenterrightdel
 Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ảnh:Reuters.

Kho chứa khí đốt của Liên minh châu Âu đã đầy khoảng 95% và nhiều nhà phân tích cho rằng lục địa già có thể tránh được thảm họa năng lượng vào mùa đông này.

Nhưng việc mua khí đốt cho mùa đông sắp tới được dự đoán sẽ trở nên khó khăn hơn đối với các nước châu Âu hiện nay, khi nguồn cung từ Nga gần như bị cắt hoàn toàn và sự cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng đối với các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có hạn.

Sẽ có rất ít LNG bổ sung được tung ra thị trường cho đến khoảng năm 2026, khi các dự án theo kế hoạch ở Mỹ và Qatar đi vào hoạt động. Trong bối cảnh đó, châu Âu có thể sẽ cạnh tranh để giành được nguồn cung hạn chế trong vài năm tới, theo Wall Street Journal.

Một số công ty ở Đức, sản xuất động cơ cho châu Âu, đang lo ngại không biết liệu họ có đủ năng lượng để hoạt động trong nửa sau của thập kỷ này hay không.

Trong những tuần gần đây, các công ty, bao gồm nhà sản xuất hóa chất BASF và công ty tiện ích khổng lồ Uniper đã tổ chức đàm phán với các nhà xuất khẩu LNG về thỏa thuận cung cấp khí đốt tiềm năng, có thể bắt đầu vào nửa sau thập kỷ này, theo nguồn tin.

Một số nhận định các cuộc đàm phán cho thấy mối lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng tăng. Nhưng đây cũng là vấn đề rất phức tạp vì trong khi tìm kiếm khí đốt trong 5-10 năm, một số công ty và quan chức chính phủ lại không muốn ký hợp đồng cung cấp dài hạn.

Đức và các quốc gia châu Âu khác đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nhà phát triển dự án LNG cần ký hợp đồng dài hạn với khách hàng để lấy tiền đầu tư cho những nhà máy chuyển đổi khí thành chất lỏng trị giá hàng tỷ USD. 

Bài toán của châu Âu

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp Đức để tìm điểm chung cho các khoản đầu tư tiềm năng trong tương lai” vào dầu khí cũng như năng lượng ít carbon, giám đốc điều hành Anders Opedal của của công ty dầu khí Equinor cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây.

Các công ty Đức không đơn độc trong việc tìm cách đảm bảo khí đốt. Các quốc gia bao gồm Pháp và Anh cũng phải đối mặt với mối đe dọa thiếu điện và một số nhà điều hành LNG tại Mỹ đã kêu gọi chính phủ châu Âu tìm kiếm thỏa thuận.

Một công ty con của công ty hóa chất Anh Ineos Group AG đã ký thỏa thuận cung cấp không ràng buộc với Sempra vào đầu năm nay, bên cạnh công ty năng lượng Ba Lan Polskie Gornictwo Naftowe i Gazownictwo.

Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết họ đang làm việc với các nhà cung cấp trong nước và quốc tế để tìm kiếm các hợp đồng có thể tăng cường an ninh cung cấp năng lượng.

Trong bối cảnh đó, một số quan chức EU đề xuất thành lập một tập thể các công ty châu Âu, để điều phối những cuộc đàm phán về thỏa thuận khí đốt và mua chung nhiên liệu. Động thái này nhằm tránh tình trạng đấu thầu đẩy giá lên cao cho cùng một loại khí đốt.

Việc mua chung sẽ giúp các quốc gia thành viên, cũng như những công ty quy mô nhỏ, có thể tiếp cận lượng khí đốt ở điều kiện tốt hơn, Euronews dẫn văn bản EC công bố vào tháng 10.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner sau đó đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này. Nhưng một số giám đốc và quan chức chính phủ nghi ngờ khả năng hoạt động của một chương trình như vậy vì sự phức tạp của thị trường khí đốt và nhu cầu khác nhau giữa các quốc gia.

Vì vậy, một số công ty đang đàm phán một mình.

“Chúng tôi không hoàn toàn tin tưởng vào những lợi ích và lợi thế có thể đạt được bằng cách kết hợp mua chung khí đốt ở cấp độ châu Âu”, người phát ngôn của RWE AG, một công ty của Đức đã ký hợp đồng 15 năm không ràng buộc với nhà xuất khẩu LNG của Mỹ Sempra, cho biết.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh:Reuters. 
 

Dù vậy, sự phản đối chính trị vẫn xuất hiện ở một số khía cạnh trong các thỏa thuận khí đốt dài hạn - văn bản mà một số người cho rằng có thể làm chệch hướng mục tiêu khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

“Thật khó để chúng có thể tương thích với các kế hoạch khử cacbon”, Jill Duggan, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Quỹ Bảo vệ Môi trường phi lợi nhuận cho biết.

Mới đây, COP27 đã vấp phải nhiều phản đối vì tuy đạt được thỏa thuận thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hội nghị không có bước tiến trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

"Tôi cảm thấy không hài lòng khi những biện pháp giảm phát thải nhà kính, đáng nhẽ phải được thực hiện từ lâu, và vấn đề giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch bị các quốc gia có lượng phát thải lớn nhất thế giới ngăn chặn tại hội nghị", AP dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

Rõ ràng, sự căng thẳng giữa nhu cầu năng lượng tại châu Âu và mục tiêu khí hậu lâu dài đang tạo ra một tình thế phức tạp.

Giải pháp

Một số người châu Âu đang tìm cách làm hài lòng các nhà xuất khẩu trong khi vẫn duy trì các mục tiêu về khí hậu.

Một lựa chọn đang được xem xét là ký các thỏa thuận dài hạn và bán lại một phần khí đốt ở thị trường nước ngoài trong những năm sau đó. Biện pháp này được hầu hết nhà xuất khẩu LNG của Mỹ cho phép trong hợp đồng, theo các giám đốc điều hành công ty, chủ ngân hàng và những người được thông báo về cuộc đàm phán.

Một số người cho biết một lựa chọn khác cũng đang được thảo luận là để người mua đầu tư trực tiếp vào các dự án LNG và ký hợp đồng cung cấp ngắn hạn, cho phép họ bán cổ phần sau này.

leftcenterrightdel
Mặc dù châu Âu đã lấp đầy kho dự trữ khí đốt tự nhiên cho mùa đông này, nhiều nước vẫn sẽ tiếp tục phải chạy đua để đảm bảo năng lượng cho những năm tới. Ảnh:Reuters. 
 

Dù vậy, những người tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết vẫn còn khoảng cách khác giữa người mua và người bán.

Người mua châu Âu muốn giá thấp hơn từ người bán Mỹ, lập luận rằng họ đã thu được lợi nhuận lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.

Người bán ở Mỹ cho biết người mua chưa tính tới vấn đề lạm phát cao, chi phí vận chuyển và rủi ro tài chính mà các công ty đang gánh chịu, đồng thời lưu ý rằng giá dự kiến tăng trở lại trong những tháng và năm tới.

Paul Varello, chủ tịch điều hành của công ty Commonwealth LNG đang phát triển một nhà máy LNG mới ở miền Nam Louisiana (Mỹ), cho biết họ sẵn sàng ký hợp đồng 10 năm nhưng với giá cao hơn so với hợp đồng 20 năm.

Tính cấp bách của tình trạng thiếu khí đốt trong tương lai vẫn là một vấn đề nan giải.

Một số giám đốc điều hành doanh nghiệp châu Âu lo ngại rằng mùa đông năm nay mới chỉ là bước đệm và việc lấp đầy kho chứa khí đốt chỉ là giải pháp tạm thời.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris đã cảnh báo trong tháng này rằng châu Âu có nguy cơ không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình vào năm tới. Cơ quan này kêu gọi châu Âu hành động nhiều hơn để bảo tồn lượng khí đốt hiện có và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên của châu Âu vào mùa hè năm 2023 có thể lên tới 30 tỷ m3. Lục địa già có thể sẽ phải đối mặt thách thức lớn để nạp đầy mạng lưới lưu trữ khí đốt trước khi mùa đông trở lại.

“Về cơ bản, châu Âu cần phải làm mọi thứ có thể”, Keisuke Sadamori , giám đốc IEA về thị trường năng lượng và an ninh cho biết.

Theo zingnews