Phóng viên: Với một cuộc đời đặc biệt như mẹ Thứ, anh chọn điểm nhấn nào để khai thác?

Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực: Mẹ Thứ là hình tượng tiêu biểu của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Bà có chồng, 9 người con trai, 1 người con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết lòng kiên trung và sức chịu đựng của người mẹ này. 1 người con của mẹ hy sinh khi đang dẫn quân vào Sài Gòn, chỉ trước lúc giải phóng Sài Gòn vài giờ, đó là một điểm nhấn mà chúng tôi chọn khai thác. Chương trình này mang lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Khi trình bày ý tưởng dàn dựng với ban tổ chức cũng như triển khai với ê kíp thực hiện, lần nào tôi cũng khóc bởi cảm xúc nghẹn ngào không thể kìm nén.

Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực
Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực

 

* Anh có gặp khó khăn gì khi làm tổng đạo diễn chương trình này không?

- Khó nhất chính là mình phải biến được cảm xúc chung thành cảm xúc riêng. Khi nói về cái chung như sự vĩ đại của những người mẹ Việt Nam anh hùng hay nói về đất nước “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thì ai cũng biết, cũng hiểu nhưng vẫn có cảm giác về một cái gì rất cao xa, sừng sững mà họ bái vọng chứ khó thấu cảm được. Mình phải biến những cảm xúc lớn lao đó trở thành những cảm xúc rất đỗi thiêng liêng và bình dị khiến người xem trào dâng cảm xúc đến rơi nước mắt.

Đọc kịch bản, tôi cũng thấy rất “thuận tay”. Chương trình được viết theo kiểu nhạc cảnh sân khấu hóa kết hợp nhiều thể loại (hoạt cảnh, vũ kịch, thoại kịch, ca múa, trình chiếu ánh sáng…). Câu chuyện nhiều cảm xúc, mạch lạc, vừa có tính bi tráng về một thời khói lửa, vừa mang lại cảm xúc rất dung dị.

Kịch bản chương trình cho chúng tôi đủ chất liệu để dẫn dắt cảm xúc của nhiều đối tượng khán giả. Những người từng đi qua chiến tranh sẽ nhìn thấy góc cạnh bi tráng của cuộc chiến đã qua, những người chưa từng biết đến chiến tranh thì cũng có gia đình, có cha có mẹ, có con, mà tình cảm thiêng liêng với gia đình luôn tạo cho họ xúc cảm rất lớn. Tôi nghĩ rằng, mỗi thời có một hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng là cái chung và đó sẽ là mạch nối chương trình đến mọi người.

Là đạo diễn và tham gia diễn xuất trong vở Mặt đối mặt, đạo diễn Chánh Trực (phải) mang đến nhiều tiếng cười và nước mắt cho người xem
Là đạo diễn và tham gia diễn xuất trong vởMặt đối mặt, đạo diễn Chánh Trực (phải) mang đến nhiều tiếng cười và nước mắt cho người xem

 

* Khán giả vẫn quen với Chánh Trực trong vai trò diễn viên đóng các vai hài, đạo diễn các game show hài nên thật khó để hình dung về chương trình Huyền thoại mẹ - Tượng đài bất tử do anh làm tổng đạo diễn?

- Nếu để ý những vở kịch mà tôi từng dựng - mới nhất là Mặt đối mặt trên sân khấu 5B (TPHCM) - khán giả sẽ thấy, dù trong vở có hài cỡ nào đi nữa thì cái đọng lại cuối cùng là những giọt nước mắt. Tôi là người dễ thương, dễ cảm, dễ mủi lòng nên tôi thích tác phẩm của mình có được những giọt nước mắt gột rửa. Đôi khi cuộc đời mình khô khan quá thì cần nước mắt cho mềm lại cuộc sống này. Thị trường đòi hỏi người nghệ sĩ mang đến nhiều tiếng cười nhưng rốt cuộc người ta vẫn muốn hướng tới những cảm xúc lắng đọng, có chiều sâu nhất trong tâm hồn.

* Xin cảm ơn anh.

Chương trình nghệ thuật đặc biệtHuyền thoại mẹ - Tượng đài bất tửsẽ diễn ra tại trung tâm văn hóa, thể thao thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày 27/7, gồm 3 chương: “Ngàn năm mây trắng”, “Huyền thoại mẹ” và “Tượng đài bất tử”, khắc họa cuộc đời kiên cường, bất khuất nhưng cũng nhiều mất mát, đau thương của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (mẹ Thứ).

Chương trình có sự tham gia của Nghệ sĩ nhân dân Mỹ Uyên (vai mẹ Thứ), Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Kim Chi (vai mẹ Trị - con gái mẹ Thứ), ca sĩ Vy Thảo, các diễn viên của trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam, đoàn ca kịch tỉnh Quảng Nam, đoàn văn công Quân khu 5…

Theo phụ nữ TPHCM