Một con báo vướng vào bẫy ở Công viên Quốc gia Kaziranga, Ấn Độ. Ảnh: AP.

Hình chụp từ một bẫy ảnh trong rừng cho thấy một con hổ cái bị thương đang lết qua đây. Giới chức đi tìm và phát hiện nó đã chết vì những vết thương sau khi vướng vào bẫy của một thợ săn.

Những chiếc bẫy như vậy đang ngày càng trở nên phổ biến ở khu vực rừng rậm phía nam Ấn Độ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều người thất nghiệp, mất thu nhập và họ phải chuyển sang săn bắt động vật hoang dã để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Những vụ săn trộm gia tăng


Giới chức Ấn Độ đang quan ngại rằng sự gia tăng đột biến hoạt động săn bắt sẽ không chỉ giết chết hoặc làm bị thương nhiều cá thể mèo lớn, vốn đang bị nguy cấp, mà còn tiêu diệt những con mồi nhỏ hơn mà các loài thú ăn thịt dựa vào để sinh tồn.

"Đi săn trộm là công việc rủi ro, nhưng khi bị đẩy đến bước đường cùng, nhiều người sẽ cho rằng đó là rủi ro họ phải chấp nhận", ông Mayukh Chatterjee, nhà sinh vật học hoang dã từ tổ chức Wildlife Trust của Ấn Độ, nhận định.

Kể từ khi Ấn Độ bước vào lệnh phong toả để hạn chế sự lây lan của virus corona, ít nhất 4 con hổ và 6 con báo đã bị giết bởi những kẻ săn trộm, theo hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã nước này. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khác không được thống kê, liên quan đến linh dương, sóc, lợn rừng và nhiều loài chim quý hiếm.

Ở một số quốc gia đang phát triển, lệnh phong toả làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng trong hoạt động săn bắn động vật hoang dã trái phép, do tình trạng thiếu hụt lương thực cũng như sự suy giảm công tác bảo vệ. Mặt khác, việc biên giới đóng cửa và người dân hạn chế đi lại cũng làm chậm hoạt động buôn bán động vật hoang dã đối với một số loài có giá trị cao.

Một trong những sự gián đoạn mạnh mẽ nhất được ghi nhận ở hoạt động buôn bán vảy tê tê. Sau khi bị bắt ở châu Phi hoặc châu Á, loài thú ăn kiến này sẽ được chuyển đến Trung Quốc và Đông Nam Á, nơi thịt của chúng được coi là mỹ vị còn vảy thì được tin rằng có công dụng chữa bệnh.

Hồi tháng 4, Uỷ ban Công lý về Động vật Hoang dã báo cáo rằng các thương nhân đang tích trữ một lượng lớn vảy tê tê ở một số nước Đông Nam Á để chờ ngày biên giới mở cửa trở lại.

Cùng lúc đó, sừng tê giác cũng đang được tích trữ ở Mozambique, trong khi thương nhân châu Á cũng đang vật lộn để giải quyết số ngà voi còn sót lại sau khi Trung Quốc cấm buôn bán mặt hàng này vào năm 2017. Đại dịch Covid-19 khiến ngành buôn bán ngà voi gần như tê liệt, vì khách hàng Trung Quốc không thể đến Lào hoặc Campuchia để mua mặt hàng này.

"Họ đang tuyệt vọng để đẩy hàng đi. Không ai muốn bị mắc kẹt với sản phẩm này", bà Sarah Stoner, giám đốc tình báo của uỷ ban, chia sẻ.

Ông Ray Jansen, chủ tịch của Nhóm công tác Tê tê Châu Phi, cho biết việc buôn bán và săn bắt tê tê ở châu lục này vẫn diễn ra không ngừng, nhưng hoạt động thương mại quốc tế đã bị ngưng trệ do cảng biển bị đóng.

Ít nhất 9 con tê giác đã bị giết ở Nam Phi kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Ảnh: New York Times.

"Chúng tôi phát hiện một số vụ vận chuyển qua đường hàng không khi các tuyến tàu biển không hoạt động, nhưng chúng tôi cho rằng hoạt động này sẽ diễn ra tấp nập khi các cảng biển mở cửa trở lại", ông Jansen nói.

Những lo ngại về việc nạn săn trộm có tổ chức ở châu Phi sẽ tăng đột biến trong thời kỳ Covid-19 đã không trở thành hiện thực, một phần nhờ hoạt động tuần tra của kiểm lâm vẫn được tiếp diễn ở các công viên và khu bảo tồn quốc gia.

Người dân nghèo không còn lựa chọn


Bà Emma Stokes, Giám đốc Chương trình Trung Phi của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã, cho biết hoạt động tuần tra bảo vệ các loài thú quý hiếm ở châu Phi được coi là công việc thiết yếu, vì vậy nó sẽ không bị dừng lại bất chấp Covid-19.

Bà Stokes thừa nhận có nghe về việc săn bắt gia tăng ở bên ngoài công viên, nhưng cho biết phần lớn những vụ việc như vậy là do người dân săn bắt để lấy thịt chứ không phục vụ mục đích thương mại. Ông Jansen cũng cho biết nạn săn trộm lấy thịt đang gia tăng, đặc biệt là ở khu vực phía nam châu Phi, khi người dân ở vùng hẻo lánh phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình.

Tại châu Á, một con tê giác 1 sừng đã bị giết tại Công viên Quốc gia Kaziranga của Ấn Độ hôm 9/5. Ba người đàn ông sau đó đã bị bắt giữ, họ được cho là thuộc một băng nhóm săn trộm quốc tế, sở hữu súng trường tự động và đạn dược.

Cũng giống như ở nhiều nơi trên thế giới, những kẻ săn trộm trả tiền cho các nông dân nghèo ở Kaziranga để giúp đỡ chúng. Vì đại dịch Covid-19 khiến nhiều người mất thu nhập, họ sẽ sẵn sàng nhận tiền từ những tên tội phạm.

Theo thống kê của chính phủ Nepal, số vụ săn trộm và vi phạm pháp luật liên quan đến rừng, cũng như khai thác gỗ bất hợp pháp diễn ra trong tháng đầu tiên phong toả còn cao hơn cả 11 tháng trước đó cộng lại. Ông Shiv Raj Bhatta, giám đốc chương trình bảo vệ rừng của WWF Nepal, cho biết nhiều lao động mất việc đã phải trở về làng, và khai thác gỗ là hoạt động dễ dàng nhất để kiếm sống.

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã Campuchia cho biết đã có ít nhất 4 vụ đầu độc loài quắm lớn (giant ibis) diễn ra ở nước này. Ảnh: AP.

Ở Đông Nam Á, giới chức Campuchia ghi nhận 4 vụ đánh bả loài quắm lớn (giant ibis) - loại chim nước đang cực kỳ nguy cấp. Hơn 100 con gà gô cũng bị săn trộm tại nước này từ cuối tháng 3.

Ông Colin Poole, giám đốc khu vực của tổ chức Greater Mekong cho rằng cuộc sống khó khăn khiến người dân nông thôn không còn cách nào khác là nhắm tới các tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến sự gia tăng đột biến các vụ săn trộm.

Theo Zing