|
|
Người Việt sơ tán từ Ukraine về nước an toàn, đoàn tụ với gia đình. (Ảnh: Nguyễn Hồng |
Trong những năm qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều thách thức xuất hiện như xung đột, đại dịch, biến đổi khí hậu, thiên tai, khủng hoảng lương thực... tác động trực tiếp tới cuộc sống, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Số lượng người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài mỗi năm một tăng với nhiều mục đích khác nhau, tạo ra áp lực ngày càng lớn cho công tác bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài.
Bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường, cộng với khối lượng công dân có nhu cầu bảo hộ ngày càng lớn đã đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan chức năng Việt Nam nhưng cũng là “lửa thử vàng” với những người thực hiện công tác này, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với mọi công dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào.
Ưu tiên hàng đầu...
Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Trên cơ sở triển khai chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, công tác bảo hộ công dân luôn được các cơ quan chức năng Việt Nam chú trọng, ưu tiên hàng đầu.
Với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước đối với công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước, Bộ Ngoại giao cùng 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực, chủ động hỗ trợ hiệu quả cộng đồng người Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là giúp đỡ khẩn cấp khi cần thiết.
Dấu ấn sâu đậm nhất trong công tác bảo hộ công dân gần đây không thể không nhắc tới là chiến dịch sơ tán công dân Việt Nam ở Ukraine sang địa bàn các nước lân cận và giúp họ trở về quê hương trên các chuyến bay nhân đạo miễn phí của Chính phủ.
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine xây dựng Kế hoạch sơ tán công dân trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, đe dọa đến an toàn của bà con.
Đến khi xung đột bùng phát, chiến dịch sơ tán khoảng 7.000 người Việt cư trú ở Ukraine chính thức được khởi động một cách tổng lực tại Ukraine và khắp các địa bàn lân cận. Với sự chỉ đạo sát sao từ trong nước và sự chủ động chuẩn bị từ trước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước lân cận đã cử các đoàn công tác ra biên giới tổ chức, hỗ trợ bà con thủ tục nhập cảnh, di chuyển đến nơi tạm trú an toàn, thu xếp nơi ăn ở, lương thực, thực phẩm cho bà con.
Chúng ta không thể quên hình ảnh những cán bộ ngoại giao xuyên đêm hộ tống và đón tiếp người Việt Nam từ Ukraine sơ tán sang; tích cực làm việc với sở tại để lo nơi cư trú tạm thời cho đồng bào; rồi quên ăn, quên ngủ làm thủ tục cho công dân trở về quê hương nhanh chóng, kịp thời theo đúng nguyện vọng của họ.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn, đến nay, việc sơ tán người Việt Nam tại Ukraine đã hoàn tất thông qua việc tổ chức sáu chuyến bay nhân đạo miễn phí đưa gần 1700 người về quê hương, đồng thời thu xếp cho hàng chục người khác về nước trên các chuyến bay thương mại, bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho người dân.
Những giọt nước mắt hạnh phúc khi gặp lại người thân, những chia sẻ vội rằng “thật sự may mắn, biết ơn và tự hào về quê hương thương mến” của chính những công dân vừa từ trong xung đột trở về đã khắc họa rõ nét nhất chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, là niềm tự hào lớn lao nhất đối với mỗi cán bộ làm công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài.
|
Các thuyền viên Việt Nam gặp nạn trong vụ nổ khí độc clo (Cl) tại cảng Aqaba (Jordan) lấy đồ và làm thủ tục trước khi về nước. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan) |
... Là công dân, là đồng bào máu thịt
Một trong những công việc quan trọng nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là công tác bảo hộ công dân. Đây là công tác vừa thể hiện trách nhiệm cao của Nhà nước đối với công dân, pháp nhân Việt Nam trong việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đồng thời vừa tỏ rõ tinh thần đoàn kết, tình nghĩa đồng báo máu thịt của những "con Lạc, cháu Hồng" nơi đất khách quê người.
Những chia sẻ của những thuyền viên gặp nạn và bức thư của đơn vị phái cử lao động gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan và một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao nhằm cảm ơn việc bảo hộ công dân trong vụ rò rỉ khí độc tại cảng Aqaba (Jordan) vừa qua phản ánh đầy đủ nhất ý nghĩa đằng sau công việc mà các cơ quan đại diện đang ngày đêm nỗ lực.
Mặc dù sự vụ diễn ra ở địa bàn Trung Đông với nhiều khó khăn trong công tác, nhưng với trách nhiệm và tình người cao cả, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan đã làm việc không quản ngày đêm liên hệ, phối hợp với các cơ quan liên quan của cả Jordan và Việt Nam để giải quyết vụ việc theo nguyện vọng của nhóm và gia đình.
Nhờ đó, bảy thuyền viên Việt Nam may mắn sống sót trong vụ nổ khí độc clo (Cl) tại cảng Aqaba đã được về nước an toàn và thi hài năm thuyền viên thiệt mạng cũng sớm trở về với đất mẹ chỉ hơn 10 ngày sau khi tai nạn xảy ra.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, một trong bảy thuyền viên Việt Nam may mắn sống sót trong vụ nổ khí độc, dù vừa trải qua thời khắc sinh tử ở nơi đất khách quê người, nhưng khi nhận được điện thoại động viên, thăm hỏi từ phía Đại sứ quán, tinh thần họ phấn khởi và yên tâm hơn hẳn. Ngoài ra, bức thư của đơn vị phái cử lao động cũng nhấn mạnh: “Theo cảm nhận của chúng tôi, ngoài trách nhiệm trong công việc còn là tình người cao cả của lãnh đạo Bộ, cán bộ bảo hộ công dân và các đơn vị của Bộ Ngoại giao trong thực thi công vụ”.
Những câu chuyện trên chỉ là mảnh ghép tiêu biểu trong cả bức tranh nỗ lực bảo hộ công dân Việt Nam ở trên toàn thế giới. Từng ngày, từng giờ, những vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân vẫn tiếp diễn, đòi hỏi cán bộ làm công tác bảo hộ công dân luôn trong tinh thần “trực chiến”.
Những vụ việc gần đây như vụ cháy tại Manchester (Anh), vụ hai công dân Việt Nam bị bắt giữ tại Tây Ban Nha, vụ nhóm người Việt bị lừa đảo đi lao động tại Campuchia, hay các vấn đề liên quan đến hộ chiếu mới đã và đang nối dài nỗ lực bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc.
Có một điều chắc chắn là dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, công dân Việt Nam luôn có thể yên tâm dựa vào điểm tựa là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài-nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trên đất khách.
Theo baoquocte