Công ty sở hữu ứng dụng họp trực tuyến Zoom bị kiện tập thể tại Mỹ - Ảnh 1.

Công ty sở hữu ứng dụng họp trực tuyến Zoom bị cổ đông kiện tập thể ở Mỹ - Ảnh: REUTERS

Đứng đơn kiện là ông Michael Drieu, một trong các cổ đông của công ty. Drieu cáo buộc Zoom và các lãnh đạo cao cấp của công ty đã che giấu sự thật về những lỗi mã hóa phần mềm của ứng dụng Zoom, lỗ hổng bảo mật khiến tin tặc có thể dễ dàng khai thác và tấn công.

Ông cũng cáo buộc Zoom đã cung cấp trái phép thông tin cá nhân của người dùng cho bên thứ ba, trong đó có Công ty mạng xã hội Facebook.

Đơn kiện tập thể được gửi đến tòa án liên bang tại thành phố bang San Francisco, bang California, Mỹ ngày 7-4.

Do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lượng người dùng các ứng dụng họp trực tuyến, trong đó có Zoom tăng đột biến do có đến hơn nửa dân số trên thế giới, gồm nhân viên, học sinh, sinh viên phải làm việc, học ở nhà.

Theo số liệu của Zoom, số người trả phí và miễn phí của ứng dụng này tăng từ 10 triệu vào cuối năm ngoái lên 200 triệu hiện nay.

Vấn đề an ninh và quyền riêng tư của ứng dụng này gần đây được nhiều quốc gia và tổ chức cảnh báo.

Theo hãng tin Reuters, một bản ghi nhớ lưu hành nội bộ của Bộ Ngoại giao Đức cho biết Bộ này nhận thấy ứng dụng họp trực tuyến Zoom có nhiều vấn đề nghiêm trọng về bảo mật và an ninh, dẫn đến nhiều rủi ro khi sử dụng, do đó Bộ hạn chế nhân viên sử dụng.

Tập đoàn SpaceX, hãng xe điện Tesla, Sở Giáo dục New York, Cơ hàng hàng không vũ trụ (NASA) của Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng Zoom vì lo ngại những vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật.

Mỹ cảnh báo người dùng về sự an toàn của ứng dụng này. Lực lượng Quốc phòng Úc cấm quân nhận sử dụng ứng dụng này. Chính quyền Đài Loan cấm tất cả các cơ quan sử dụng Zoom. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang thận trọng xem xét về việc sử dụng Zoom trong các công việc quan trọng.

Trước đó, một nhóm nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm thông tin Citizen Lab thuộc Đại học Toronto (Canada) phát hiện một số cuộc gọi video với ứng dụng Zoom và các mật mã của cuộc gọi này được chuyển đến Trung Quốc dù tất cả người tham gia cuộc gọi ở Bắc Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo "Sự phổ cập nhanh chóng của các nền tảng họp trực tuyến mà thiếu vắng sự thẩm tra an ninh đúng đắn có thể gây rủi ro rò rỉ các bí mật thương mại, bí mật nhà nước".

Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo tin tặc có thể khai thác những điểm dễ tổn thương trong ứng dụng Zoom để nghe lén các cuộc họp hoặc kiểm soát máy tính để tiếp cận các file dữ liệu quan trọng.

Zoom chưa phản hồi về vụ kiện mới nhất nhưng trước đó đã có thông báo xin lỗi về những lỗ hổng an ninh và thừa nhận gửi nhầm dữ liệu các cuộc gọi đến Bắc Kinh. Phía công ty đã dừng sử dụng các máy chủ ở Trung Quốc để sao lưu dữ liệu cuộc gọi video của những người dùng không phải ở Trung Quốc.

Theo Reuters, giá cổ phiếu của Zoom giảm trong 7,5% (còn 113,75 USD/cổ phiếu) sau thông tin công ty bị kiện sau đợt tăng giá mạnh hồi đầu năm nay.

Thượng viện Mỹ yêu cầu các nghị sĩ không dùng Zoom

Theo báo Financial Times, Thượng viện Mỹ yêu cầu các thành viên không sử dụng ứng dụng họp video trực tuyến Zoom vì các lo ngại bảo mật dữ liệu liên quan ứng dụng này.Theo đó, các thượng nghị sĩ được yêu cầu tìm một nền tảng khác để làm việc từ xa.

Tờ Financial Times cho biết nguồn tin của họ đã đọc được cảnh báo của Thượng viện về việc này, nhưng cũng nói Thượng viện Mỹ chưa chính thức công bố việc cấm dùng Zoom.

Trong diễn biến liên quan, ngày 8-4 công ty Google cũng đã cấm cài phiên bản Zoom cho máy tính trên các laptop của công ty.

ĐỖ DƯƠNG


Theo congnghe.tuoitre