leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Sultan Al Jaber - Chủ tịch COP28

Cần hành động thiết thực

Từ ngày 30/11 đến 12/12, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với sự tham gia của khoảng 140 nhà lãnh đạo trên thế giới.

Với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", hội nghị COP28 sẽ tập trung vào 4 trụ cột gồm: Theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi năng lượng; Xử lý vấn đề tài chính khí hậu; Thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân; Tăng cường bao quát mọi mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc mới đây cảnh báo, hành tinh đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100. Tính từ đầu năm đến đầu tháng 10 vừa qua, đã có tới 86 ngày ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển, với lượng khí thải tăng 1,2% từ năm 2021 đến năm 2022.

Các nhà khoa học kêu gọi COP28 nhất trí về việc tăng cường đáng kể cam kết về khí methane, với mục tiêu giảm khoảng 60% khí thải trong lĩnh vực năng lượng, phù hợp với các quy định gần đây của Liên minh châu Âu (EU). EU có kế hoạch cắt giảm khoảng 57% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với năm 1990 và đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nếu COP28 đạt được cam kết như vậy thì đây sẽ là một thành công lớn.

Hà Lan, quốc gia với khoảng 25% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, cùng với Tajikistan được chỉ định là bên điều phối các cuộc đàm phán về nước tại Hội nghị COP28. Các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị sẽ chú trọng thảo luận 3 vấn đề: Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái nước ngọt; Đảm bảo người dân sinh sống tại các thành phố có quyền tiếp cận nguồn nước chất lượng tốt và được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm về nước; Nâng cao khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất lương thực trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới có trụ sở ở Mỹ, Trái đất đã mất khoảng 85% diện tích đất ngập nước trong vòng 300 năm qua. Ước tính có tới 4 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ít nhất một tháng trong mỗi năm.

Những đề xuất mới tại COP28

Theo các chuyên gia đánh giá, COP28 là hội nghị quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong 8 năm qua. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Đây sẽ là cuộc thử nghiệm thực sự để xác nhận rằng thế giới có thể đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C trong thập kỷ tới hay không.

Bên cạnh đó, tài chính vẫn là một điểm gây tranh cãi chính trong các cuộc đàm phán khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì. Ước tính, đến năm 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các hành động khí hậu của các nước nghèo có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm.

COP28 tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu… Các cuộc họp định kỳ Ban thư ký Quỹ Thích ứng (AF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF) sẽ diễn ra nhằm triển khai các kế hoạch huy động tài chính đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

leftcenterrightdel
Lộ trình phát thải toàn cầu theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) 

Mỹ sẽ đưa ra chiến lược quốc tế đầu tiên để thương mại hóa điện nhiệt hạch. Phản ứng nhiệt hạch có ưu điểm so với các nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ phản ứng phân hạch, do không tạo ra lượng chất thải phóng xạ tồn tại lâu dài trong tự nhiên. Nếu được triển khai thành công, điện năng thu được từ phản ứng nhiệt hạch có thể cung cấp nguồn điện sạch, không phát thải carbon, đồng thời có giá thành rẻ.

Trong khi đó, Brazil đang lên kế hoạch đề xuất một quỹ lớn để chi trả cho việc bảo tồn các khu rừng nhiệt đới tại COP28. Cơ chế tài chính tiềm năng này dự kiến sẽ là cơ chế mới nhất trong số các quỹ môi trường đa phương đang ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Tham dự hội nghị COP28, Việt Nam cũng cho thấy sự sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Tại hội nghị năm nay, Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu về công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng sẽ diễn ra Lễ ra mắt Kế hoạch huy động nguồn lực chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo thoidai