Robot lau quét nhà tự động được ra mắt ở Singapore tháng 7-2019 - Ảnh: AFP
Trước đại dịch, người ta có thể nghĩ chúng ta đang tự động hóa quá nhiều, nhưng dịch bệnh này sẽ hối thúc người ta nghĩ thêm xem còn gì nên được tự động hóa nữa. Giáo sư Richard Pak (Đại học Clemson, Mỹ - chuyên gia về các nhân tố tâm lý xung quanh tự động hóa) |
Tuy nhiên các chuyên gia việc làm và tự động hóa cho rằng với các quy định giãn cách xã hội nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng, chắc chắn sẽ còn tiếp tục ở một dạng thức nào đó khi dịch bệnh đã thuyên giảm, sẽ là yếu tố thúc đẩy nhiều ngành nghề hơn nữa tăng tốc tự động hóa.
Tình hình mới, nhu cầu mới
Ngành công nghiệp bán lẻ lúc này đang phải lệ thuộc nhiều hơn vào công nghệ tự động để giảm bớt sức ép với các nhân viên trong bối cảnh sức mua tăng vọt.
Chẳng hạn, theo báo New York Times, Công ty Brain Corp ở San Diego, hãng chuyên phát triển phần mềm dùng trong các robot lau sàn tự động, cho biết các nhà bán lẻ ở Mỹ đã tăng sử dụng máy lau sàn tự động thêm 13% so với hai tháng trước. Hiện tại các robot lau sàn nhà tự động đảm nhiệm khoảng 8.000 giờ lao động mỗi ngày.
Tại những siêu thị như Giant Eagle, robot cũng đang giải phóng thêm thời gian để các nhân viên thay vì phải thu xếp, kiểm kê hàng hóa có thể dành thời gian cho tẩy trùng, làm sạch các bề mặt và đảm bảo các kệ luôn có đủ hàng.
Những mô hình cửa hàng tự động "từ A - Z" như Amazon Go nếu vài tháng trước vẫn còn là chuyện lạ về công nghệ thì trong bối cảnh này sẽ sớm trở thành lựa chọn đáng quan tâm với nhiều nhà bán lẻ.
Ngay cả một số dịch vụ trao đổi thông tin vốn "chuộng" con người hơn nay cũng đã được tự động hóa. Chẳng hạn, khi nhiều văn phòng buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, PayPal đã chuyển sang dùng các chatbot thay cho nhân viên. Các chatbot này đã giải quyết tới 65% thắc mắc của khách hàng qua nền tảng chat trực tuyến trong những tuần gần đây.
Paypal cũng dùng công cụ phiên dịch tự động để các nhân viên nói tiếng Anh của họ có thể giúp những khách hàng không dùng ngôn ngữ này.
Cũng như vậy, YouTube cho biết họ đang có số nhân viên làm việc trên các văn phòng toàn cầu ít hơn và máy móc đang đảm nhiệm việc xử lý nội dung nhiều hơn.
Sẽ thiết lập trật tự mới?
Các nhà bán lẻ một mực cho rằng robot chỉ đang giúp làm tăng thêm hiệu quả cho công việc của người lao động mà không thể thay thế họ. Nhưng khi những ngày tháng hoảng loạn mua sắm tích trữ qua đi, khi doanh số bán hàng sụt giảm theo đà suy thoái kinh tế ảnh hưởng vì dịch, các công ty đã phải thay đổi lại chức năng nhiệm vụ của người lao động vì dịch COVID-19 có thể sẽ không cần họ nữa.
Chẳng hạn, vai trò của một người thu ngân cũng đang thay đổi. Đại dịch đang hối thúc một số cửa hàng áp dụng các hệ thống thanh toán "không tiếp xúc" một cách triệt để hơn bao giờ hết. Khắp nơi khách hàng được khuyến khích sử dụng các dịch vụ thanh toán di động kiểu như Paypal, ví điện tử...
Các nhà quản lý ngân hàng tại châu Âu tuần trước đã nâng mức tiền người mua được phép thanh toán qua thiết bị di động, đồng thời giảm bớt một số yêu cầu xác thực phức tạp.
Ngành công nghiệp tái chế, xử lý rác được cho là ngành sẽ thay đổi mãi mãi sau đại dịch. Hiện tại nhiều thành phố đang tạm ngưng các dịch vụ tái chế phế liệu một phần vì lo ngại công nhân có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với đồ phế thải như chai nước, hộp đựng thức ăn...
Những công ty như AMP Robotics lại chứng kiến mức tăng đột biến trong các đơn hàng thuê dùng robot để xử lý, phân loại rác.
Ông Mark Muro, chuyên viên nghiên cứu về các thị trường lao động tại Viện Brookings, cho rằng với những công ty bị giảm nguồn thu nhập, sức ép phải thay người bằng máy còn căng thẳng hơn nữa. Cùng với làn sóng mới tự động hóa bùng lên trong dịch bệnh, khi các công ty trở lại hoạt động, họ sẽ tuyển ít người hơn.
"Đây có thể là một trong những tình huống cho thấy tự động hóa sẽ làm giảm đáng kể việc tái tuyển dụng lao động. Bạn sẽ thấy số người lao động ít hơn khi mọi thứ phục hồi sau dịch", ông Muro nói.
Theo tuoitre