Nền kinh tế phát triển nhanh chóng ở châu Á trong nhiều thập kỷ đã mang đến cho hàng triệu người trẻ cơ hội việc làm tốt. Nhưng hiện tại, con đường này đang gặp phải rủi ro khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao với phần lớn dân số từ 15 đến 24 tuổi.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Tổ chức Lao động Quốc tế, phụ nữ trẻ và những người ở bậc thấp nhất của nấc thang việc làm là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ gọi nhóm này là “thế hệ bế tắc” đang bị bỏ lại phía sau.
|
Nhiều người mất việc vì đại dịch Covid-19. Ảnh:NBC News. |
Cắt giảm lao động
Pavisa Ketupanya (26 tuổi, đến từ Bangkok, Thái Lan) cũng nằm trong số này. Cô đã có bằng phi công và đang dự định theo bước cha mình lái máy bay thương mại. Vì đại dịch ập đến, mọi kế hoạch của cô vỡ tan tành.
“Khi tôi nhận được bằng lái trở thành phi công, tôi nghĩ đây sẽ là công việc cả đời của mình với mức thu nhập tốt. Nhưng giờ đây, tôi phải dựa vào sở thích của mình - là nối mi - để kiếm tiền cho đến khi nền kinh tế hồi phục. Dù chỉ kiếm được một phần nhỏ so với nghề phi công, nhưng còn hơn là không có tiền”, Pavisa nói.
Khi giấc mơ việc làm tan vỡ, nhiều người cũng cùng chung cảnh ngộ với Pavisa.
Theo Bloomberg, châu Á - Thái Bình Dương đóng góp 2/3 vào tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019. Trong khi đó, mức phát triển của các quốc gia trong khu vực này dự kiến sẽ đánh dấu lần tăng trưởng âm đầu tiên kể từ thập niên 1960.
|
Thị trường lao động xuống dốc khiến giới trẻ tuyệt vọng. Ảnh:Debt. |
Navisha Ali (17 tuổi, New Dehli) đã dành 6 tháng qua để tìm kiếm một nghề nghiệp chính thức. Khi đại dịch bùng phát, cô mất công việc sửa kim cương giả trong một xưởng may quần áo nhỏ. Sau một tai nạn 3 năm trước khiến cha cô mất sức lao động, Ali buộc phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình.
Cô kiếm được một khoản tiền khiêm tốn khoảng 5.500 rupee (75 USD) một tháng. Tất cả dùng để trang trải sinh hoạt phí cho cha mẹ và các em gái. Hiện cả 2 người em của Ali - đều dưới 17 tuổi - cũng phải tạm gác việc học để đi làm.
“Chúng đang học khâu, tôi cũng cố gắng hướng dẫn cho chúng công việc trong nhà máy mà tôi từng làm”, Ali kể.
Định nghĩa "lớp người nghèo mới"
Theo Ngân hàng Thế giới, cú sốc Covid-19 đang tạo ra một "lớp người nghèo mới" trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương với dự đoán 38 triệu người sẽ sống trong cảnh nghèo đói.
Wei-Jun Jean Yeung, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số tại Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này sẽ làm căng thẳng mối quan hệ với các thế hệ lớn tuổi, khiến sức khỏe tinh thần của người trẻ đi xuống và đẩy tỷ lệ việc làm giảm mạnh hơn trước đây.
“Lần này tác động sẽ trầm trọng hơn vì nhiều căng thẳng kết hợp cùng lúc. Nó cũng sẽ kéo dài hơn nên hậu quả để lại cũng rất tệ”, Yeung khẳng định.
|
Nhiều người đang trang trải cuộc sống bằng lương hưu của cha mẹ. |
JM Dimaunahan (22 tuổi, Manila) đang sống dựa vào mức lương hưu ít ỏi của cha mẹ do không xin được việc sau khi tốt nghiệp ngành xã hội học.
Thay vì tìm kiếm công việc tiếp thị như mong đợi, anh đang đặt mục tiêu thấp hơn là làm việc ở trung tâm hỗ trợ khách hàng.
“Một số công ty tạm ngưng tuyển dụng do tác động của đại dịch. Tôi đang chịu áp lực vì không có thu nhập cho gia đình nhưng cũng không thể dựa vào lương hưu trí của cha mẹ cho chi tiêu hàng ngày”, anh nói.
Những trường hợp như Dimaunahan sẽ mãi bế tắc nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ hoặc tốc độ cải thiện kinh tế nhanh chóng khi dịch bệnh được kiểm soát và thị trường việc làm ổn định trở lại.
Chờ đợi nền kinh tế khởi sắc
Một tia hy vọng cho thế hệ trẻ là những lĩnh vực như công nghệ vẫn đang săn lùng nhân tài. Tuy nhiên, các công việc này đều yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao.
Winnie Tang, chủ tịch Công ty Esri China, một đơn vị thành viên của hãng phần mềm Esri ở bang California (Mỹ), đang vận hành bảng điều khiển được sử dụng để theo dõi Covid-19 ở Đại học Johns Hopkins, cho biết 30% nhân viên trong cơ quan của cô đều dưới 30 tuổi.
“Ngành công nghệ thông tin đang bùng nổ”, Tang dự đoán.
Tuy nhiên, Tang cũng cho rằng quá trình khắc phục tình trạng thất nghiệp sẽ mất nhiều năm. “Lao động trẻ, ngay cả những người tốt nghiệp đại học, sẽ có mức thu nhập ít hơn trong một thập kỷ tới, thậm chí lâu hơn”, cô chia sẻ.
|
Phải mất rất lâu mới có thể cải thiện tình hình như ban đầu. Ảnh:Getty. |
Sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, thị trường lao động có thể đổi xu hướng sang nền kinh tế việc làm tự do (gig economy).
Trần Thị Ái Vi (23 tuổi) biết rõ điều này. Tháng 8/2020, cô đã mất công việc ổn định tại một hãng hàng không nơi cô làm việc được nửa năm.
Vi quyết định mở lớp dạy viết lách trên Facebook và làm freelancer (việc làm tự do) cho một số công ty. Trong tương lai, Vi sẽ trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp và quản lý tài chính để điều hành công việc kinh doanh của riêng mình. “Cơ hội luôn đi kèm với biến động”, cô gái 23 tuổi cho hay.
Theo Bloomberg, các công việc không chính thức và không có hợp đồng đang dần trở nên phổ biến hiện nay.
Ngay cả ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang phục hồi mạnh nhất, chính phủ cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ vẫn ở mức cao. Tại Nhật Bản, các công ty đang cắt giảm tuyển dụng và sinh viên mới tốt nghiệp sẽ mất cơ hội việc làm lâu dài.
Zhu Yue (24 tuổi) vừa hoàn thành chương trình thực tập ở ByteDance (Bắc Kinh) và sẽ quay lại Đại học Waseda (Nhật Bản) để tiếp tục các khóa đào tạo ở lĩnh vực truyền thông và văn hóa quốc tế vào tháng 3/2021.
Khi Yue nhận tấm bằng đại học ở Bắc Kinh vào năm 2018, nhiều công việc chào đón cô nhưng lần này thì khác. “Tôi rất lo lắng. Rất khó tìm việc trong năm nay”, Yue bày tỏ.
Theo Zing