Một học sinh nữ ở Campuchia phụ giúp gia đình trông coi đàn bò sau giờ học - CHỤP MÀN HÌNH NENAFN.COM

Một nghiên cứu mới của tổ chức từ thiện Plan International Australia (PIA, Úc), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục phổ thông cho các trẻ em gái và nói rõ nguy cơ ngày càng tăng và tác động lâu dài của tình trạng tảo hôn ở khu vực, theo tờ The Guardian.

“Phần trọng tâm của tảo hôn nằm ở quan niệm rằng con gái là gánh nặng kinh tế. Khi kết hôn, các trẻ em gái được xem như là người lớn và việc học của các trẻ thường phải dừng lại. Công việc của bạn khi đó sẽ là làm vợ và làm mẹ”, Tổng Giám đốc điều hành PIA Susanne Legena cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn với The Guardian.

Hồi năm ngoái, tổ chức từ thiện Save The Children (Anh) dự đoán trong 4 năm tới có thể sẽ có tới 250.000 trẻ em gái ở Đông Nam Á đối diện tình trạng tảo hôn bị ép buộc. Ở Indonesia, trong 6 tháng đầu năm của 2020, số hồ sơ đăng ký kết hôn dưới tuổi trưởng thành cao hơn 2,5 lần con số cho cả năm 2012, theo PIA.

Khoảng 33.000 trẻ em gái ở Indonesia kết hôn trong năm ngoái. Trong tháng 6 và 7 cùng năm, đường dây hỗ trợ trẻ em của Indonesia nhận số cuộc gọi nhờ hỗ trợ về tảo hôn tăng 17% so với cùng thời kỳ của năm 2019.

Bà Legena cho biết thêm nghỉ học sớm cũng khiến các trẻ em gái không được học về giáo dục sức khỏe sinh sản và giới tính và những em nghỉ học sớm ít có khả năng đảm bảo con gái sau này của các em hoàn tất chương trình học trung học.

“Các trẻ em gái bị buộc kết hôn sớm có nguy cơ trải qua nghèo đói, bạo lực, có thai sớm cao hơn, đe dọa sức khỏe và mạng sống của các em”, PIA cảnh báo trong nghiên cứu mới.

Đại dịch Covid-19 đang tác động lớn tới nhiều cô gái và phụ nữ - CHỤP MÀN HÌNH THE CONVERSATION

Cũng theo nghiên cứu trên, hơn 1,2 triệu trẻ em gái từ mầm non đến trung học ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương có thể nghỉ học sớm do đại dịch Covid-19, ngoài 15 triệu trẻ em gái đã không được đến trường trước khi đại dịch khởi phát. Cứ trong 4 trẻ em gái thì có một em không thể tiếp tục việc học trực tuyến. Những trẻ em gái được phỏng vấn cho nghiên cứu mới cho hay muốn tiếp tục việc học, theo bà Legena. “Các trẻ em gái biết giá trị này tốt hơn bất kỳ ai”, bà Legena khẳng định.

Tuy nhiên gần như phân nửa của 1.200 người nữ từ 15-24 tuổi do PIA khảo sát trong một nghiên cứu trước đây cho hay họ lo sợ không có cơ hội trở lại trường. Nếu các em được phép tiếp tục con đường học vấn, gia đình của các em cũng được hưởng lợi từ giáo dục, theo bà Legena.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng có tác động đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của các trẻ em gái, với 3 trong số 5 em ở khu vực Thái Bình Dương cho hay “thỉnh thoảng, thường hay hoặc luôn luôn lo lắng hay căng thẳng vì Covid-19”. Có tới 4 trong 5 em cho hay đại dịch khiến các em cảm thấy đơn độc.

Ngoài mái ấm gia đình, trường học có thể là môi trường bảo vệ cho các trẻ em gái, nhờ có giáo viên là người gương mẫu, các chương trình dinh dưỡng của trường cung cấp an ninh lương thực ở mức cao và các bạn cùng trang lứa có thể là nguồn cung cấp “giáo dục không chính thức”, theo bà Legena. “Chúng ta không thể để đại dịch Covid-19 đánh mất một thế hệ của các trẻ em gái”, bà Legena nhấn mạnh.

Trong nghiên cứu công bố ngày 8.3, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng trường học đóng cửa, căng thẳng kinh tế, các dịch vụ bị gián đoạn, mang thai và cha/mẹ tử vong do Covid-19 khiến những trẻ em gái dễ bị tổn thương nhất đối diện nguy cơ tảo hôn ngày càng cao. Thậm chí trước khi đại dịch khởi phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, khoảng 100 triệu trẻ em gái có nguy cơ đối diện tảo hôn trong thập niên tới, dù con số này đã giảm đáng kể ở nhiều nước trong những năm gần đây. UNICEF cảnh báo rằng có thể có thêm 10 triệu cuộc tảo hôn trước khi thập niên này kết thúc.  


Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Thế giới ước tính có khoảng 5 triệu người ở Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương sống dưới mức nghèo trong năm 2020, theo The Guardian. Đại dịch có thể khiến thêm 33 triệu người rơi vào tình trạng này, đánh dấu sự gia tăng đầu tiên về số người nghèo ở khu vực trong 2 thập niên qua.             

Theo thanhnien