Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và diễn viên Bollywood Ayushmann Khurana cũng nằm trong danh sách này. Danh sách được công bố mỗi năm này gồm những người tiên phong, nhà lãnh đạo và những nhân vật biểu tượng trên khắp thế giới.
Bà Bilkis Bano, 82 tuổi, nằm trong nhóm phụ nữ đã phản đối đạo luật quốc tịch gây tranh cãi của chính phủ Ấn Độ. Bài giới thiệu về bà Bilkis trên tạp chí Time, do nhà báo Ấn Độ Rana Ayyub viết, đã gọi bà là "tiếng nói của những người bị thiệt thòi".
"Bà Bilkis đã mang lại hy vọng và sức mạnh cho các nhà hoạt động và lãnh đạo sinh viên, những người đang ở sau song sắt vì đứng lên bảo vệ sự thật", bà Ayyub viết trên Time. "Bà cũng truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình hòa bình tương tự trên khắp đất nước".
|
Bà Bilkis là một trong những người phụ nữ tham gia biểu tình phản đối CAA một cách hòa bình tại Shaheen Bagh. Ảnh:Getty. |
“Bilkis đã ngồi tại địa điểm biểu tình từ 8h sáng đến nửa đêm. Bà đã ngồi đó kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thông qua Đạo luật Quyền Công dân (CAA) vào tháng 12 và qua suốt mùa đông lạnh giá”, theo nhà báo Ayyub.
Ngay sau khi thông tin bà Bilkis nằm trong danh sách của Time được công bố, từ khóa #ShaheenBagh (nơi diễn ra các cuộc biểu tình) và #Bilkis đã trở thành xu hướng trên Twitter, theo BBC. Đạo diễn Bollywood Onir gọi bà Bilkis là "giọng nói dũng cảm, giàu cảm hứng từ Shaheen Bagh".
Shaheen Bagh, khu dân cư người Hồi giáo chiếm đa số, là nơi diễn ra cuộc biểu tình ôn hòa kéo dài chống lại CAA.
CAA cho công dân Afghanistan, Pakistan và Bangladesh cơ hội nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ dựa vào tôn giáo của họ. Đạo luật này quy định người nộp đơn phải là người theo đạo Hindu, đạo Cơ Đốc, đạo Sikh, đạo Jain, Parsi hoặc đạo Phật. Hồi giáo không có trong danh sách trên.
Phụ nữ Hồi giáo đã đổ ra đường biểu tình ôn hòa. Người thuộc các tôn giáo khác cũng tham gia cùng họ để thể hiện sự đoàn kết. Họ đã đọc cho nhau nghe lời mở đầu của hiến pháp Ấn Độ, tái khẳng định quyền công dân của họ và hát những bài ca yêu nước.
Các đảng phái chính trị, nhóm xã hội dân sự và nhóm Hồi giáo đã nộp một số đơn kiện lên tòa án. Họ cho rằng CAA là bất hợp pháp vì đạo luật này cấp quyền công dân trên cơ sở tôn giáo, đi ngược lại các giá trị thế tục của Ấn Độ được ghi trong hiến pháp.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình trở thành mục tiêu chỉ trích trong chiến dịch tranh cử cấp bang của đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng đang lãnh đạo chính phủ Ấn Độ. BJP cáo buộc những người biểu tình là "kẻ phản bội" Ấn Độ vì họ phản đối đạo luật này.
Theo Zing