Yun Mi-sun (56 tuổi) chưa bao giờ cảm thấy mình quá lạc lõng với thế giới kỹ thuật số. Cô vẫn biết cách sử dụng chiếc điện thoại thông minh đời mới, dùng hệ thống định vị tích hợp trên xe hơi, theo Korea Herald.

Suy nghĩ đó thay đổi cho đến khi Yun cố gắng đăng ký một liều vaccine phòng Covid-19 cho mình.

Ngoài 50 tuổi, Yun chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine sớm theo chương trình tiêm chủng dựa trên độ tuổi của Hàn Quốc. Tháng 8 mới đến lượt, nhưng cô muốn đi tiêm sớm để thăm mẹ chồng đang nằm liệt giường trong viện dưỡng lão.

"Tôi không gặp vấn đề gì khi đăng nhập vào trang web, nhưng sau đó tôi không biết phải làm như thế nào".


Mỗi khi cô kiểm tra, bản đồ cho thấy lượng vaccine có sẵn ở các phòng khám dường như luôn bằng 0. Cô cũng phải vật lộn với việc tạo một chữ ký điện tử để sử dụng cho hoạt động này.

“Sau đó, con trai đã dạy tôi cách đánh dấu một số phòng khám nhất định trên bản đồ và sẽ nhận được thông báo ngay lập tức khi có suất trống. Tôi không thể nào tự mình tìm ra điều này, tôi không biết gì cả. Lần đầu tiên, tôi thấy mình như một bà lão".

                        Việc đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Hàn Quốc khiến nhiều người già gặp khó khăn. Ảnh: Yonhap.


Bất cập


Theo thống kê chính thức được công bố hôm 24/6, hệ thống trực tuyến đăng ký tiêm các liều vaccine phòng Covid-19 thừa ra - do những người đủ điều kiện hủy lịch hẹn, thường là với số lượng nhỏ - là cực kỳ cạnh tranh và người trẻ thường chiếm ưu thế.

Hơn 88% trong số 253.000 người có thể tiêm chủng sớm theo hình thức này cho đến nay là ở độ tuổi 30 và 40. 11% còn lại ở độ tuổi 50.

Tuần trước, cảnh sát Hàn Quốc cho biết đang điều tra các bài đăng trên mạng xã hội về việc "săn" vaccine phòng Covid-19. Theo đó, một số người dùng mạng khoe đăng ký được lịch tiêm nhờ sử dụng một lệnh hoặc chương trình máy tính tự động hóa lặp đi lặp lại các bước.

Hwang Nam-hui, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết những người trẻ tuổi am hiểu về điện thoại thông minh có lợi thế hơn người già trong việc săn tìm vaccine trực tuyến là một “ví dụ điển hình về khoảng cách kỹ thuật số dẫn đến bất bình đẳng”.

                      Kiến thức công nghệ khiến nhóm người trẻ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua đăng ký vaccine. Ảnh: Reuters.


Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ người biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật số cao, ngay cả ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát của viện nghiên cứu, khoảng 1/3 số người ở độ tuổi 60 trở lên tự coi mình là “lạc hậu”.

Trong nhóm tuổi 50, những người có thu nhập và bằng cấp cao có nhiều kiến thức về Internet và các thiết bị kỹ thuật số hơn.

“Sự phân chia khoảng cách kỹ thuật số này thậm chí gây ra hậu quả lớn hơn trong đại dịch, điển hình là ở hệ thống đăng ký vaccine trực tuyến. Cái giá phải trả của việc không hiểu biết về công nghệ không nên là sức khỏe của một người", bà Hwang nói.

Theo Hwang, trong suốt đại dịch, đã có thời điểm những người ít kiến thức về công nghệ thông tin bị hạn chế cơ hội tiếp cận các nguồn lực thiết yếu. Trong những tháng đầu của đại dịch, nhiều người lớn tuổi ngã quỵ khi phải xếp hàng chờ mua khẩu trang tại các cửa hàng từng gây xôn xao dư luận. Trong khi đó, nhiều người trẻ dễ dàng đặt mua online.

“Công nghệ đang phát triển nhanh đến mức nhiều người chưa kịp làm quen. Các chính sách của chính phủ nên nhận ra những khoảng cách này và hướng tới việc thu hẹp chúng".

Khó khăn


Bất chấp sự mất cân bằng rõ ràng, những người dưới 50 tuổi, được gọi chung là nhóm “ít rủi ro hơn” và ở cuối danh sách ưu tiên tiêm, sẽ phải tranh giành vaccine trực tuyến từ tháng 8, khi họ đủ điều kiện tham gia.

Ở độ tuổi ngoài 40, một nam công nhân nói không biết anh có thể có được một liều vaccine nào hay không khi hầu như không có thời gian nhìn vào điện thoại ở nơi làm việc. Thậm chí, ngay cả thời gian đi vệ sinh trong những giờ bận rộn cũng là điều xa xỉ.

                                   Hàn Quốc đang tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm ưu tiên trước. Ảnh: Bloomberg.


“Một số người khác còn tệ hơn. Họ bị thu điện thoại khi làm việc vì mục đích bảo mật và năng suất. Đối với những người gặp khó khăn trong việc đăng ký online như chúng tôi, chương trình này của chính phủ giống như đang nói rằng: 'Xin lỗi, bạn phải tự lo thôi' vậy".

Chung Hae-joo, giáo sư về khoa học sức khỏe cộng đồng, cho biết thay vì ngẫu nhiên, một cách tiếp cận dựa trên nhu cầu nên được áp dụng trong các dịch vụ y tế công cộng như phân phối vaccine.

“Một cuộc thi mở cho tất cả nghe có vẻ công bằng, nhưng nó đang bỏ qua những lợi thế mà một số nhóm, trong trường hợp này là nhóm có năng lực về công nghệ thông tin, hơn những nhóm khác”, giáo sư Chung nhận định.

Theo Zing