Cưới không cần hẹn hò, chỉ nhờ mai mối đang được cổ vũ ở Indonesia vì phù hợp với quan niệm cấm "ăn cơm trước kẻng" ở nước này - Ảnh chụp màn hình

Những người Hồi giáo Indonesia vốn đã khắt khe với chuyện "ăn cơm trước kẻng" lập tức ủng hộ xu hướng mới này.

Không hôn, không nắm tay

Thất vọng và chán chường sau những cuộc tình tan vỡ chóng vánh, Dwita Astari Pujiartati - một nữ giảng viên 27 tuổi - quyết định nói không với hẹn hò lãng mạn, cho rằng nó vừa tốn thời gian, tiền bạc và cả nước mắt.

Cô gặp một giáo sĩ Hồi giáo, cũng là một người mai mối để nhờ vả. Một người đàn ông, vốn là người không thích dành nhiều thời gian cho việc hẹn hò, sau đó đã chủ động liên lạc với Pujiartati.

Mối quan hệ giữa Pujiartati và chồng cô hiện tại rất khác so với những cặp đôi bình thường. Họ không có những cuộc hẹn hò lãng mạn dưới nến, trao cho nhau những nụ hôn hay những cái nắm tay. 

Cả hai chỉ nói chuyện hay nhắn tin qua điện thoại suốt một năm. "Khi cảm thấy thời điểm đã chín muồi, anh ấy đã hỏi trực tiếp cha mẹ tôi rằng anh có thể cưới con gái của họ làm vợ được không", Pujiartati nhớ lại.

Những gì Pujiartati vừa trải qua có thể gọi là "taaruf" - tạm dịch là "mai mối" ở Indonesia. Một số người đã chỉ trích taaruf, cho rằng điều này chỉ hợp với các quốc gia bảo thủ vùng Vịnh chứ không phải một nước dân chủ như Indonesia. 

Nhưng Pujiartati thì ủng hộ xu hướng cưới không cần hẹn hò, bởi cô là một người sùng đạo và không muốn đánh mất mình trước hôn nhân.

"Tại sao tôi lại phải làm thứ gì đó khiến tôi mất thời gian và phật lòng vị thần của mình?", nữ giảng viên lập luận. Pujiartati không phải là người duy nhất khi ngày càng nhiều người trẻ Indonesia đi theo xu hướng của cô.

Một phong trào có tên Indonesia Tanpa Pacaran đang nở rộ ở đất nước mà những người sinh ra từ năm 1990 trở về sau chiếm tới một phần tư dân số. Nhóm này có khoảng 1 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Instagram và thường có các bài đăng nhắm tới thế hệ Z, vốn chiếm hơn 65 triệu người ở Indonesia.

Phong trào được khởi xướng từ năm 2015 từ một sinh viên đại học tên La Ode Munafar, người mới đây đã tổ chức màn "chia tay tập thể" trong đêm giao thừa ở thành phố Kendari, đảo Sulawesi.

Hôn nhân và lòng ngoan đạo

Những cái kết viên mãn của những cuộc hôn nhân không cần hẹn hò có chỗ đứng đáng kể trên mạng Internet của Indonesia. Trong số đó là câu chuyện về Muhammad Alvin Faiz, con trai của một giáo sĩ đa thê nổi tiếng.

Các hình ảnh của chàng trai 21 tuổi tràn ngập mạng xã hội sau khi anh cưới một người vợ 19 tuổi, một người theo Công giáo nhưng đã cải sang Hồi giáo khi gặp Faiz thông qua mai mối.

Quay trở lại trào lưu cưới không cần hẹn hò, những người ủng hộ tin rằng đây là cách giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc chọn bạn đời mà không cần thỏa hiệp với quan hệ trước hôn nhân.

Mặc dù vậy, một số nhà phê bình đã cảnh báo rằng việc kết hôn chỉ dựa trên lý trí thay vì cảm xúc sẽ thiếu đi kết nối giữa hai người, thậm chí có thể đặt người phụ nữ vào tình huống nguy hiểm.

"Một cuộc hôn nhân thành công có nghĩa là cả hai đối tác phải tuân theo những lời dạy của đạo Hồi về nghĩa vụ của người chồng và vợ. Sẽ là vấn đề lớn nếu cả hai không biết các quyền và nghĩa vụ của nhau. Lúc đó, ly hôn là điều không thể tránh khỏi" - Taufiq Andika, người vừa kết hôn sau 3 tháng nói chuyện qua điện thoại, lập luận.

Phản đối hình sự hóa sex trước hôn nhân

Sau hàng chục năm bị kìm nén dưới chế độ độc tài Suharto, Indonesia những năm gần đây chứng kiến sự trỗi dậy của các nhóm tôn giáo. Nhiều người nổi tiếng tại nước này cũng tuyên bố công khai sẽ sống ngoan đạo hơn, đồng nghĩa sẽ không quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Dưới thời Tổng thống Joko Widodo, các nhóm Hồi giáo bảo thủ đã "vận động hành lang" để đề xuất một bộ luật hình sự hóa việc quan hệ trước hôn nhân. Dự luật này đã khiến dư luận bất bình, buộc chính quyền phải nhượng bộ không thông qua.

Theo tuoitre