Bà Banks, người đưa ra cáo buộc trong một cuốn hồi ký, cho biết nam nghị sĩ trên đã đưa tay lên chân bà trong phiên bỏ phiếu của quốc hội trước khi rời đi. Bà tố bộ trưởng đã đặt tay "ngay trên đầu gối của tôi và cố tình nhích dần vào đùi trong của tôi rồi sau đó nâng chân của tôi lên".

Theo BBC, văn phòng Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố rằng họ không biết về cáo buộc này trước đó và cho rằng hành vi như vậy là "hoàn toàn không phù hợp".

Trong một đoạn trích từ hồi ký của mình, bà Banks không nêu rõ danh tính người đàn ông trên, chỉ nói là vẫn còn trong nội các.

"Một bộ trưởng dám làm điều này khi xung quanh có đầy nghị sĩ, hẳn ông ta phải rất trơ trẽn. Tôi thật không thể tin nổi", bà nói.

                                                 Cựu nghị sĩ Julia Banks, người cáo buộc bị một bộ trưởng đương nhiệm đụng chạm không thích hợp vào năm 2017. Ảnh: Fairfax Media.


Bà Banks trước đây đã lên tiếng về tình trạng phân biệt giới tính và kỳ thị nữ giới trong chính trường Australia. Bà đi khỏi đảng Tự do vào năm 2018, một cuộc ra đi đầy sóng gió.

Trong bài phát biểu rời quốc hội vào thời điểm đó, bà đã lên án "sự bắt nạt và đe dọa" mà bản thân trải qua tại quốc hội. Theo bà, quốc hội đã đi sau nhiều thập kỷ so với giới doanh nghiệp về thái độ đối với phụ nữ.

Trong một cuốn sách của mình, bà cũng cáo buộc Thủ tướng Morrison đã cố gắng "bắt nạt" và bịt miệng bà sau khi bà tuyên bố rời đi.

Người phát ngôn của thủ tướng thừa nhận ông Morrison đã nói chuyện vài lần với bà Banks, nhưng nói thêm rằng ông Morrison "hoàn toàn bác bỏ những tuyên bố (của bà Banks) về bản chất của những cuộc trò chuyện đó".

Các cáo buộc mới đây của bà Banks một lần nữa dấy lên vấn đề đối xử với phụ nữ trong chính phủ bảo thủ của ông Morrison và chính trường Australia.

Quốc hội Australia hiện là đối tượng của một cuộc điều tra về văn hóa nơi làm việc do Ủy viên Phân biệt Giới tính điều hành.

Cuộc điều tra là một trong 5 cuộc điều tra bắt đầu sau khi một cựu trợ lý chính phủ, bà Brittany Higgins, lên tiếng về việc bị đồng nghiệp cấp cao trong văn phòng bộ trưởng hãm hiếp vào năm 2019.

Theo Zing