Một banner quảng cáo chương trình đầu tư định cư ở Cyprus - Ảnh: launchincyprus
Đó đang là một xu hướng thịnh hành. BBC News gần đây trích lời "vua hộ chiếu" là luật gia Christian Kalin, chủ tịch của Henley & Partners - một trong những công ty lớn nhất thế giới trong thị trường buôn bán quốc tịch trị giá 25 tỉ USD mỗi năm, cho biết hơn phân nửa số quốc gia trên thế giới hiện có các chương trình đầu tư thông qua "bán" quốc tịch.
Khái niệm "nơi sinh ra" đã lỗi thời
Tiến sĩ Kalin, nổi tiếng với luận án vào hàng xưa nay hiếm tựa đề "Ius Doni: The acquisition of citizenship by investment" (Thực thi luật pháp qua việc hiến tặng: thụ đắc quyền công dân bằng cách đầu tư), đã vạch ra rằng quan niệm truyền thống của chúng ta về quyền công dân gắn với huyết thống hoặc nơi ta sinh ra giờ đã lỗi thời.
Theo Kalin, cho tới nay việc nhập quốc tịch thường qua các kênh như Ius sanguinis (quyền nhập tịch do huyết thống nhờ dòng máu của cha/mẹ), Ius soli (quyền nhập tịch do được sinh ra ở nơi đó từ một cha/mẹ cũng đã sinh ra ở đó) hoặc các nhóm thứ cấp như quyền nhập tịch do hôn nhân... Nay với việc "cống hiến" một số tiền, người ta có thể nhập quốc tịch nước được hiến tiền, từ đó có khái niệm "Ius Doni" mới tinh mà nghĩa đen là "luật pháp nhờ hiến tặng".
Hai chương 14 và 15 trong luận án của TS Kalin, từ trang 279 đến trang 377, là nền tảng cho các nhà nước nào muốn lấy quốc tịch đãi triệu phú euro: "Các chương trình của Antigua và Barbuda, St. Kitts và Nevis và Malta đã được Henley & Partners thiết kế dưới sự ủy quyền liên quan của các chính phủ".
Kalin khẳng định: "Quan niệm truyền thống của chúng ta về quyền công dân nay đã lỗi thời... Không còn công bằng khi cứ nhất định gắn sinh quán của một người với kỹ năng hay tài năng của người đó". Theo ông, chẳng qua "việc người đó sinh ra ở đó và lớn lên như một tài năng chỉ là một sự tình cờ thuần túy mà thôi".
Ông đưa ra một cái nhìn mới: "Có gì sai đâu khi xem quyền công dân như là một thứ thẻ thành viên? Có gì sai đâu khi kết nạp vào đất nước đó những người tài năng, những người sẽ cống hiến?". Luận thuyết này dùng để xoa dịu "lương tâm cắn rứt" của những người bỏ tiền ra mua quốc tịch mới, nếu như họ còn chút cắn rứt lương tâm.
Cái phao cứu nợ
Từ nền tảng lý thuyết và chính sách do TS Kalin thiết kế cho các chính phủ trên, việc mua bán quốc tịch được các công ty kinh doanh quốc tịch triển khai. Thế nhưng, các công ty này ít "thành thật khai báo" về tình hình nợ nần của chính phủ các nước này, đặc biệt là đảo Cyprus vốn vỡ nợ từ 2012-2013 nên đã gấp rút khai sinh chương trình bán hộ chiếu đổi đầu tư.
Theo countryeonomy.com, năm 2012, nợ công của Cyprus là 20,067 tỉ USD, tương đương 80,3% GDP của Cyprus. Qua năm sau 2013, nợ công lên tới 24,844 tỉ USD, tức hơn năm 2012 gần 5 tỉ USD, tương đương 104% GDP.
Do bức bách không biết lấy tiền đâu trả nợ, vào tháng 3-2013, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades chấp nhận các điều kiện "cứu nợ" của lãnh đạo EU và khu vực đồng euro. Hậu quả là những ai đang gửi tiết kiệm hơn 100.000 euro ở Ngân hàng Quốc gia Cyprus sẽ mất 40% số tiền gửi tiết kiệm của họ như một phần của kế hoạch tái cơ cấu nợ. Người gửi tiết kiệm còn mất thêm 4,2 tỉ euro tiền gửi tại Ngân hàng Laiki hoặc tại Ngân hàng Cyprus Popular bị đóng cửa, theo báo Guardian (Anh) ngày 27-3.
Cũng từ năm 2013, Chính phủ Cyprus suy nghĩ cách cứu nợ bằng cách bán "vốn tự có" là quyền công dân đảo quốc này vốn cũng là của EU.
Tháng 3-2014, Hội đồng bộ trưởng Cyprus thông qua "Đề án nhập tịch theo ngoại lệ cho nhà đầu tư tại Cyprus". Đến 13-9-2016, Hội đồng bộ trưởng Cyprus thông qua một chương trình tiêu chí tài chính mới dành cho các nhà đầu tư muốn có quốc tịch Cyprus, gọi tắt là Chương trình đầu tư Cyprus. Chương trình này thu hút ngay 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia trong thời gian 2017 - 2019, theo The Cyprus Papers (Hồ sơ đảo Cyprus) của Đài Al Jazeera.
Tháng 5-2018, Cyprus sửa luật này đôi chút song không gây phiền hà gì cho những người nộp đơn trước đó và sẽ nhận hộ chiếu sau đó. Theo tờ Ekathimerini của Cyprus ngày 10-6-2020, khoảng 4.000 hộ chiếu Cyprus đã được cấp, góp ít nhất cũng 7 tỉ euro từ 2013 cho đảo quốc đang vỡ nợ này. Có thể thấy: so với số nợ năm 2013 là 24,8 tỉ USD, con số 7 tỉ euro từ các "công dân tương lai" đóng góp là rất quý giá!
Việc bán "vốn tự có" này vẫn đang là cái phao cứu nợ của Cyprus. Tờ In-Cyprus ngày 11-10-2018 chạy dòng tít: "Đảo Cyprus cần 3,1 tỉ euro để trang trải nợ công".
Rất cần tiền "đầu tư" song đang gặp rào cản. Tờ Knews ngày 25-9 loan tin Tổng kiểm toán Odysseas Michaelides của Cyprus cho biết chương trình cho nhập tịch các nhà đầu tư nước ngoài, được thay đổi tột cùng năm 2013, đã đặt ra những bất hợp lệ đòi hỏi phải điều tra thêm.
Nhưng đó không phải là vấn đề to tát quá khó giải quyết, bởi mục tiêu của quốc đảo này vẫn là tạo điều kiện cho các "tân công dân" giúp "mẫu quốc" mới của họ thoát nợ!
24,5 tỉ euro Theo dự báo của Bộ Tài chính Cyprus, năm 2020 Cyprus cần thêm 1 tỉ euro, qua 2021 cần 500 triệu euro, tuy nhiên đến 2022 sẽ cần tới 1,6 tỉ euro. Song đó là dự báo cũ từ 2018, tình hình nay cấp bách hơn. Tờ Knews của người Cyprus gốc Hi Lạp ngày 3-6-2020 đưa tin nợ công của Cyprus tăng vọt lên 24,5 tỉ euro do khủng hoảng COVID-19, lên tới 113% GDP vào cuối tháng 4, từ tỉ lệ 95,5% vào cuối năm 2019. |
Theo tuoitre