Đã có rất đông đại biểu quốc tế tới tham dự lễ khai mạc. Ảnh: Tiền Phong

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2019 đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) từ ngày 12 đến 14/5. Đây là năm nắm kỷ lục lịch sử trong các lần tổ chức Vesak của thế giới, khi có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước tham dự nhất.

Đại lễ có sự tham dự của với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đến tham dự như: Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc...

Tuyệt vời và hiếu khách

Dành thời gian tham quan Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc cũng như cảm nhận về công tác đón tiếp, chuẩn bị Đại lễ Vesak 2019, nhà tu Bhikkhu Animesh đến từ Ấn Độ cho biết: Lần thứ 4 đến Việt Nam, ông cảm nhận rất rõ nét về Việt Nam - một đất nước tuyệt vời, người Việt Nam rất hiếu khách.

Đặc biệt, ông bị choáng ngợp trước phong cảnh nơi đây. Ngôi chùa được xây dựng một cách xuất sắc, rất đẹp và to lớn. Đặc biệt, khung cảnh núi non, hồ nước thật dễ chịu.

Gửi gắm những tâm tư cho Đại lễ, ông Bhikkhu Animesh chia sẻ: “Tôi mong muốn hoà bình đến với nhân loại, thế giới luôn được hạnh phúc, con người thoát khỏi khổ đau. Tôi cảm thấy rất vui khi có mặt tại đây”.

Nhà sư Bhikkhu Animesh đến từ Ấn Độ (trái) và nhà sư Dhamma Rakkhita Thero đến từ Bangladesh (phải). Ảnh: T.A

Còn nhà sư Dhamma Rakkhita Thero đến từ Bangladesh chia sẻ: “Hiện tôi đang sinh sống và học tập tại Thái Lan. Ở Thái Lan, tôi ít khi được thấy những ngôi chùa to lớn như chùa Tam Chúc. Thật tuyệt khi được tham gia một lễ hội lớn như như thế này tại Việt Nam”.

Ấn tượng với 3 lần tổ chức thành công

Sau 2 lần tổ chức Đại lễ Vesak rất thành công, ấn tượng, tại Đại lễ Vesak lần thứ 3 đứng ra tổ chức, Việt Nam tiếp tục hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ này.

Nhà sư Dhamma Rakkhita Thero tiếp tục đánh giá: “Để tổ chức Đại lễ Vesak lần thứ 3 là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Thế nhưng, các bạn đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ này”.

Mặc dù trải qua một chuyến bay dài để tới Việt Nam nhưng anh Oka, một vị khách đến từ Indonesia không cảm thấy mệt mỏi mà còn tỏ ra rất hào hứng.

Anh Oka cho biết đã yêu mến con người Việt Nam tốt bụng, thân thiện và dễ gần. Oka tỏ ra hào hứng khi được chiêm ngưỡng một ngôi chùa đẹp và đồ sộ, thiên nhiên tuyệt vời như Tam Chúc.

Nhận xét về công tác tổ chức, Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2008 và đến năm 2014 là lần thứ 2, chúng tôi đã vô cùng ấn tượng với những kết quả đạt được trong 2 lần đầu Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi tổ chức lần thứ 3 ở đây. Chúng tôi rất yêu quê hương của quý vị, yêu mến người dân Việt Nam”.

Theo Hòa thượng Phra Brahmapundit, tin tưởng vào sự thành công của Đại lễ.

“Chúng tôi đã hợp tác cùng các vị trong Trung ương Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ lần này và tôi tin rằng Đại lễ chắc chắn sẽ thành công tại tỉnh Hà Nam. Những kết quả đạt được trong hội thảo sẽ được ban soạn thảo đưa ra tuyên bố Hà Nam và thông báo rộng rãi cho toàn thế giới biết".

Vị hoà thượng bày tỏ bất ngờ với tốc độ hoàn thiện công trình phục vụ cho Đại lễ: "Khi tôi tới đây để kiểm tra công tác chuẩn bị thì các công trình chỉ mới được xây dựng, còn rất ngổn ngang. Thế nhưng, đến bây giờ đã quá đẹp, đẹp tuyệt vời, có thể coi như là thiên đường trên trái đất. Nhân dân Việt Nam chắc hẳn sẽ rất tự hào được giới thiệu cảnh đẹp này với đại biểu quốc tế”, Hòa thượng Phra Brahmapundit nói.

Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tiếp tục nhấn mạnh: Đại lễ lần này không chỉ riêng là vấn đề của Phật giáo mà còn là của cả thế giới, chúng ta cùng hợp tác với nhau.

Gửi thông điệp tới lễ khai mạc qua qua video, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng: "Tất cả chúng ta, là Phật tử hay không là Phật tử, đều có thể suy nghiệm về cuộc đời của Đức Phật và tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy của Ngài. Trong thời điểm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và sự độ lượng ngày một thu hẹp lại, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết. Vào Ngày Vesak lần này, chúng ta hãy cùng nhau làm mới cam kết về xây dựng một thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả".

Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, thông qua 5 phiên hội thảo sẽ cho thấy rất rõ ràng về mục tiêu đặt ra của chủ đề lần này. Chủ đề lần này có liên quan tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã thông qua trong năm 2015.

Theo thoidai