Đại dịch COVID-19 làm tê liệt các quốc gia nghèo nhất thế giới
Cập nhật lúc 19:16, Thứ năm, 04/03/2021 (GMT+7)
Một báo cáo đầu tháng Ba của Ủy ban Khẩn cấp thảm họa (DEC) cảnh báo, hàng ngàn người có thể chết đói ở những quốc gia mong manh nhất thế giới khi đại dịch xảy ra. Cuộc khảo sát của DEC cho thấy, các điều kiện nhân đạo của thế giới hiện đang ở mức tồi tệ nhất trong 10 năm qua.
Trẻ em nhặt ngũ cốc rơi vãi trên đồng từ những chiếc túi cứu trợ ở Nam Sudan - Ảnh: AFP
Trẻ em đang chết đói
Ông Saleh Saeed - Giám đốc điều hành của DEC - cho biết việc giảm tài trợ nhân đạo có thể buộc các nhà cung cấp viện trợ phải ưu tiên một số đối tượng và dịch vụ: “Nhiều người sống ở những nơi nguy hiểm bởi xung đột, bạo lực và thảm họa khí hậu đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất. Tác động của đại dịch đã làm tê liệt các nền kinh tế, khiến những người nghèo nhất thế giới thậm chí còn bi kịch hơn”.
Báo cáo trên tập trung vào các nước Syria, Yemen, Somalia, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Afghanistan, cũng như các trại tỵ nạn Rohingya ở Bangladesh. Trong đó, nổi bật và kinh hoàng nhất là cuộc sống hằng ngày ở Yemen: cứ ba người thì có hai người dựa vào viện trợ để sống sót; gần 50.000 người Yemen đang sống trong điều kiện giống như nạn đói.
Cuộc sống ở Yemen đối với một người bình thường đã trở nên quá tồi tệ, và trẻ em phải chịu đựng nhiều nhất. Năm qua, gần một nửa số trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Con số này bao gồm 400.000 trẻ đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Nhiều người sẽ chết nếu không được điều trị khẩn cấp, và những người sống sót sẽ phải chịu những tổn thương phần lớn không thể phục hồi do tình trạng này gây ra.
Bên cạnh đó, các bệnh có thể phòng ngừa được như tả, bạch hầu và sởi gây ra cái chết với tỷ lệ đau lòng là cứ 10 phút có một trẻ chết ở Yemen. Trẻ em ốm đau bị các cơ sở y tế không có thuốc men và vật dụng quay lưng. Các quan chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, Yemen có nguy cơ xảy ra nạn đói tồi tệ nhất hành tinh trong nhiều thập niên.
Trẻ em Yemen đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng - Ảnh: AFP
Thế giới hãy quan tâm hơn nữa
Vào năm 2020, hoạt động nhân đạo do LHQ lãnh đạo đã nhận được 1,9 tỷ USD (1,35 tỷ bảng Anh). Đại dịch đã khiến tiền viện trợ bị cắt giảm và nhiều người cần giúp đỡ đã không nhận được sự hỗ trợ. Với nạn đói đang hoành hành, thế giới cần nhanh chóng tăng cường hoạt động viện trợ nếu muốn ngăn chặn nó đang nuốt chửng cả một thế hệ.
Vào ngày 1/3, LHQ kêu gọi tài trợ ngay lập tức để làm chậm nạn đói gây nguy hiểm cho hàng triệu người. Hoạt động nhân đạo của LHQ dự tính cần 4 tỷ USD trong năm nay để ngăn chặn nạn đói lớn và giải quyết các nhu cầu cấp thiết khác. Nếu nhận được khoản tài trợ này, LHQ có thể giúp 16 triệu người trên khắp Yemen và hàng triệu người ở những nước khác có được những điều cơ bản mà họ cần để tồn tại.
Ahmed Khalif - Giám đốc quốc gia của tổ chức từ thiện Hành động chống lại nạn đói ở Somalia - cho biết nguồn sống của cư dân bị đe dọa do xuất khẩu gia súc và lượng kiều hối giảm, đi kèm với xung đột, dịch châu chấu và hạn hán: “Đó là nhiều cuộc khủng hoảng trong cái vòng luẩn quẩn, nó cuốn vào nhau và chúng tôi đang đuổi theo giữa tất cả những vòng quay này để chặn đứng”.
Ông Ahmed Khalif cho biết, số người ở Somalia cần hỗ trợ nhân đạo đã tăng 700.000 người nhưng viện trợ khó cung cấp đến một số khu vực do những hạn chế. Ông cũng cho biết, 190.000 trẻ em dưới một tuổi đã bỏ lỡ việc tiêm chủng vào năm ngoái. Ông Khalif quan ngại về việc các nước cắt giảm hoặc chuyển hướng viện trợ khi các trường hợp COVID-19 tăng 52% trong tháng Hai ở Somalia.
Người đứng đầu bộ phận cứu trợ nhân đạo của LHQ, Mark Lowcock, nói: “Tình hình viện trợ nhân đạo đang rơi xuống vực do đại dịch. Tôi thực sự kêu gọi các nước tài trợ sát cánh với cộng đồng ở các nước mong manh. Việc sống còn ở Somalia hay Yemen phải được những cánh tay nâng đỡ vào thời điểm này”.
Theo phunuonline