Sáng 30/7, tại TP Vinh (Nghệ An), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7).
Dự lễ mít tinh có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Báo cáo được công bố tại lễ mít tinh cho thấy, trên bình diện thế giới, mua bán người là loại tội phạm đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ 3 sau buôn ma túy và vũ khí. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, tội phạm mua bán người càng thêm phức tạp.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói: “Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm nhiều bất bình đẳng trên toàn cầu, tạo ra nhiều rào cản trên con đường đạt mục tiêu phát triển bền vững và khiến hàng triệu người có nguy cơ bị mua bán vì mục đích mại dâm, lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng ép và các tội phạm khác.
Phụ nữ và trẻ em chiếm 70% nạn nhân mua bán người được phát hiện và họ cũng là nhóm người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong đại dịch. Các cuộc suy thoái trước đây đã cho thấy phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm sau khủng hoảng, vì vậy đây là thời điểm cần hết sức cảnh giác.
Ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020 toàn quốc phát hiện 60 vụ mua bán người, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân. Nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em. Thủ đoạn phạm tội là tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng.
Việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều; một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có cả những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh, đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp.
Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái pháp luật và cũng là địa phương thực hiện thành công nhiều chuyên án đấu tranh với tệ nạn mua bán người. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt chung tay ngăn chặn nạn mua bán người.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng hậu quả mua bán không chỉ dừng lại ở cá nhân nạn nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, đạo đức, xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội.
“Công tác phòng, chống, đấu tranh tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, do thiếu nhân tính, do lòng tham từ lợi nhuận nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để hoạt động phạm tội, nhất là lợi dụng những bất cập trong công tác quản lý hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con có yếu tố nước ngoài để hoạt động tội phạm với thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm.
Bên cạnh đó, do đời sống kinh tế khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, cơ hội khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm… cũng là yếu tố thúc đẩy tệ nạn mua bán người gia tăng.
Phần lớn nạn nhân mua bán người là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Đồng thời, các đối tượng phạm tội lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân, lừa đảo tình cảm, lừa giới thiệu việc làm để bán ra nước ngoài”, Phó Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân của loại tội phạm này.
Trước tình hình trên, Đảng và Chính phủ đã đề ta nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn mua bán người. Các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương quán triệt nghiêm túc chương trình phòng, chống mua bán người.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Tới đây, các cấp, ngành, các địa phương cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em để có kiến thức, kỹ năng phòng vệ trước các thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm mua bán người và tích cực tố giác tội phạm;
Tiếp tục phát động phong trào toàn dân phòng, chống mua bán người theo chỉ đạo của Chính phủ; Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng thế trận phòng chống tội phạm mua bán người. Điều quan trọng nhất là người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm các hành vi phạm tội mua bán người.
Sau lễ mít tinh, các đại biểu tham gia diễu hành hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".
Theo dantri.com.vn