Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại một kỳ họp trước khi có dịch Covid-19 - Reuters
Hãng AFP ngày 3.4 đưa tin Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, văn bản đầu tiên của tổ chức quốc tế này kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Nghị quyết còn nhấn mạnh “nhu cầu hoàn toàn tôn trọng nhân quyền” và “không có chỗ cho bất cứ hình thức kỳ thị, phân biệt chủng tộc và tính bài ngoại trong ứng phó đại dịch”.
Bên cạnh đó, nghị quyết nhấn mạnh vai trò của tổ chức này đối với sức khỏe toàn cầu và khủng hoảng kinh tế. Nghị quyết được đề xuất bởi Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana, được ủng hộ bởi 188 trong số 193 thành viên.
Nga không thành công trong việc phản đối nghị quyết để đưa ra những nội dung riêng được 4 nước khác ủng hộ. Dự thảo của Nga cũng đề xuất hợp tác nhưng còn hàm ý đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế với lý do cản trở nỗ lực đối phó Covid-19.
Các nước ủng hộ dự thảo của Nga gồm Cộng hòa Trung Phi, Cuba, Nicaragua và Venezuela.
Không giống như nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng có sức mạnh chính trị vì được nhiều nước ủng hộ.
Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đại dịch Covid-19 là “khủng hoảng thách thức nhất chúng ta từng đối diện kể từ Thế chiến 2”.
Tuần trước, ông cảnh báo rằng nếu thế giới không cùng nhau đối phó Covid-19, hàng triệu người có thể sẽ tử vong. Hôm 23.3, ông kêu gọi toàn cầu lập tức ngừng bắn để bảo vệ người dân dễ bị tổn thương ở những vùng xung đột trước đại dịch.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an vẫn im lặng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc) đang chia rẻ trong việc đạt được nghị quyết ủng hộ lời kêu gọi của ông Guterres.
Theo thanhnien