Một hình ảnh quảng cáo cho mẫu túi xách mới trên tài khoản Instagram của trang thương mại điện tử Net-A-Porter - Ảnh chụp màn hình
Theo Đài Channel News Asia, một trong những thực tế được hé lộ sau nhiều tháng nhiều nơi trên thế giới phải áp dụng phong tỏa, giãn cách để phòng dịch COVID-19 là việc người ta nhất định phải làm một cái gì đó để thoát khỏi cảm giác nhàm chán.
Trong số các lựa chọn có việc lên mạng săn lùng các loại túi xách xa xỉ của những thương hiệu lớn như Gucci và Saint Laurent, với số lượng đáng kể người tiêu dùng tham gia.
Theo số liệu do trang thương mại điện tử Net-a-Porter cung cấp, trong khoảng thời gian một tháng tính tới ngày 4-5, doanh số bán các loại túi xách hạng sang của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 261% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại sao lại là túi xách mà không phải những mặt hàng xa xỉ khác? Nhất là khi mọi sinh hoạt giao tiếp xã hội gần như đã đình lại trong vài tháng qua và chuyện làm việc từ xa đã trở thành một "bình thường mới" với nhiều người trong tương lai gần.
Trên thực tế, doanh số bán túi xách tăng lên ở mức tương phản rất lớn với doanh số sụt giảm của những mặt hàng khác trên thế giới.
Ví dụ, tại Singapore, theo số liệu mới nhất của cơ quan thống kê nước này, doanh số bán lẻ với quần áo, giày dép trong tháng 4 đã giảm 85,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân có lẽ là do nhiều người vẫn còn dè dặt mua qua mạng các mặt hàng vốn cần phải thử trực tiếp như quần áo hay giày dép. Trong khi việc lựa chọn túi xách đơn giản hơn nhiều vì chỉ cần nhìn hình ảnh sản phẩm.
"Hình ảnh hiển thị trên mạng của một chiếc túi xách có thể cho thấy rất rõ việc trông nó sẽ ra sao khi mang trên tay, bởi vậy những rủi ro trong việc mua túi xách thấp hơn", ông Kapil Tuli, giáo sư ngành marketing kiêm giám đốc Trung tâm xuất sắc về bán lẻ tại trường kinh doanh Lee Kong Chian của Đại học quản lý Singapore (SMU), phân tích.
"Đó chính là trị liệu bán lẻ (nguyên văn "retail therapy", một kinh nghiệm trong kinh doanh được dùng đầu tiên vào những năm 1980, thường dùng để chỉ thói quen mua sắm để cảm thấy dễ chịu hơn - PV). Khi các tương tác xã hội của bạn gần như bị xóa bỏ và căng thẳng gia tăng, đó là một cơ chế ứng phó, hệt như việc tiêu thụ kem cũng tăng", ông Tuli nói.
Với một số người, việc mua sắm online cũng có thể trở thành một "cơ chế bù đắp" trong thời gian việc đi lại du lịch và nghỉ ngơi ít nhiều đã bị ngừng lại với hầu hết mọi người trong đại dịch COVID-19.
"Trước khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng thường mua các món hàng xa xỉ ở nước ngoài, những nơi có giá rẻ hơn so với mua tại nước họ. Tuy nhiên với những hạn chế đi lại và các quy định phải ở nhà phòng dịch, việc mua sắm hiện đang diễn ra thường xuyên hơn ngay từ trong nước và việc mua sắm online cũng nhanh chóng trở thành một bình thường mới", ông Diego Dultzin Lacoste, đồng sáng lập kiêm giám đốc tài chính của nền tảng siêu khuyến mại OnTheList, phân tích.
Theo tuoitre