Người biểu tình kêu gọi EU tiếp nhận thêm người di cư với khẳng định “Chúng ta còn không gian dành cho họ!” - Ảnh: Reuters

Các hãng tin quốc tế Reuters, AFP đưa tin, đông đảo người Đức tham gia một cuộc biểu tình lớn ở Berlin hôm 20/9 đòi sơ tán các trại di cư quá tải ở Hy Lạp và chống lại việc xây dựng một trại mới trên đảo Lesbos của Hy Lạp tại biển Ê-giê, Địa Trung Hải.

Những người biểu tình đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định về COVID-19 và mang theo áp phích "Không để ai bị bỏ lại phía sau!", đã tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Berlin cùng với Tima Kurdi, người dì của Alan Kurdi - cậu bé Syria có hình ảnh trở thành biểu tượng bi thảm của cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 sau khi thi thể của cậu trôi dạt vào một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tima Kurdi nói: “Tôi quyết định lên tiếng và lên tiếng cho những người không thể tự mình nói được nữa. Nếu tôi không thể cứu gia đình mình, thì hãy cứu gia đình những người khác”. Cô kêu gọi mọi người viết thư cho các chính trị gia để thúc đẩy hành động, cô nói: "Chúng ta không thể nhắm mắt quay lưng bước đi. Con người là con người, cho dù chúng ta đến từ đâu".

Đức đã đồng ý tiếp nhận 1.553 người di cư mắc kẹt trên các hòn đảo của Hy Lạp, nhưng Sonya Bobrik, một nhà hoạt động của nhóm Seebruecke nhấn mạnh "chúng ta có không gian" để tiếp nhận nhiều hơn thế. Những người biểu tình khác giơ cao các biểu ngữ “Còn chuyện gì xảy ra nữa? Hãy sơ tán Moria ngay!”, “EU thật đáng xấu hổ!”, và “Nơi trú ngụ không phải là nhà tù”.

Người biểu tình Oliver Bock cho biết: “Tôi thấy không thể chấp nhận được việc chúng ta sống ở một trong những nơi giàu có nhất thế giới mà sợ hãi 15.000 người và thảo luận triền miên về việc ai sẽ giúp đỡ những người này”.

Cảnh sát cho biết khoảng 5.000 người đã có mặt trong cuộc xuống đường ở Berlin, đồng thời ghi nhận các cuộc biểu tình tương tự ở Cologne, Munich và Leipzig.

Khoảng 12.700 người mất chốn nương thân sau khi một trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra ngày 9/9 ở trại di cư Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Kể từ đó, khoảng 9.000 người đã được tái định cư tại một địa điểm tạm thời mới. Nhưng việc phá hủy Moria, một khu trại tai tiếng về quá tải và mất vệ sinh, đã củng cố thêm lời kêu gọi từ người dân địa phương và các tổ chức nhân đạo về việc di chuyển người di cư ra khỏi hòn đảo.

Bất chấp sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên EU, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất mới về di cư trong tuần này. EU đã không thống nhất được chính sách tị nạn chung trong 5 năm sau khi bà Merkel cho phép 1,2 triệu người tìm kiếm sự bảo vệ nhập cư vào Đức.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer nói với tuần báo Bild am Sonntag rằng ông rất hy vọng: "Tôi hy vọng Ủy ban EU sẽ đưa ra một đề xuất vững chắc giúp tháo gỡ những vướng mắc để chúng ta có một thỏa thuận chính trị về chính sách tị nạn châu Âu vào cuối năm”. Ông nói thêm rằng ông dự kiến sẽ không quá 100.000 người di cư đến Đức trong năm nay.

Theo phunuonline